Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị, Lời dạy của đức phật

Đã hiểu thấu Pháp Hộ Niệm rồi thì cơ hội vãng sanh được dễ dàng hơn

Chẳng sợ niệm khởi, chỉ sợ giác chậm - Điều then chốt là phải giác

Khi phát tâm Bồ Đề rồi, xin chư vị hãy chuẩn những thử thách đến. Phật dạy, khi phát khởi một tâm Bồ Đề, luôn luôn có ma chướng tìm cách cản ngăn. Nếu không chuẩn bị một tâm lực vững vàng, thì sự phát tâm chỉ còn một nửa, hoặc nặng về hình thức, phát tâm tùy hứng, còn việc làm đạo không dễ gì được hoàn thành đâu.

Một người thực sự phát tâm Bồ Đề thì khi một thử thách giúp cho mình tôi luyện tâm trí, rèn luyện tâm lực vững vàng. Tâm lực có vững vàng thì chính mình mới có thể vượt qua đại ách nạn ở thời điểm cuối cùng của cuộc đời này. Thử thách cuối cùng của chính mình nhiều lúc còn kinh khủng hơn nữa, chứ không phải nhẹ nhàng như một chút chê bai, một chút phỉ báng hay một chút chống đối của người thế gian đâu nhé.

Cho nên xin chư vị hãy cố gắng nghiên cứu về Hộ Niệm thật cẩn thận. Một người đã hiểu thấu Pháp Hộ Niệm rồi thì cơ hội vãng sanh được dễ dàng hơn. Tại sao vậy? Vì chính họ đã biết đường tu hành cụ thể vững vàng. Họ đã chuẩn bị tất cả những gì cần thiết để đối phó với bất cứ một thử thách nào đến. Những điều khó khăn không làm cho họ nhụt tâm, nản chí. Những chướng ngại không làm họ bỏ con đường giải thoát để chạy theo ngã luân hồi đọa lạc…

Chư vị ơi!… Làm đạo mà vừa thấy một chút khó khăn vội liền lui gót, thì oan gia trái chủ của mình sẽ vỗ tay rầm rập, họ an chí rằng nhất định bạn không thể thoát được bàn tay của họ đâu!… Làm đạo mà tâm lực mình vững vàng, thì oan gia trái chủ cũng vỗ tay luôn, nhưng lần vỗ tay này lại hoan hỷ tán thán, họ an tâm rằng nhất định bạn được vãng sanh, bạn sẽ có năng lực về đây cứu độ họ. Như vậy làm đạo cần phải có tâm lực vững vàng, vừa có lợi cho mình vừa có lợi cho vô lượng vô biên chúng sanh. Nhất định không thể gặp một chút chướng ngại mà thoái tâm chư vị nhé.

Ngài Tĩnh Am Đại Sư dạy: “Đường đạo cần phải lập hạnh, thành đạo cần phải phát tâm”. Phật dạy, “Kẻ thù lớn nhất của mình là chính mình”, xin đừng thoái tâm mà chung bè theo đường đọa lạc. Đọa lạc hay Cực Lạc đều do chính mình chịu trách nhiệm lấy, chứ không thể đổ thừa cho bất cứ một người nào khác vậy.

A-Di-Đà Phật.

Trích: Để Hiểu Thấu Hành Đúng Pháp Hộ Niệm (136)
– Lão Cư Sĩ Diệu Âm Minh Trị –

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *