Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Con người lẽ nào chẳng sợ oán nghiệp kết sâu từ những con vật bị giết hại hay sao?

Oán nghiệp kết sâu từ những con vật bị giết hại
Đại đức của trời đất là Sanh, đại đạo của Như Lai là Từ. Người và vật tuy khác, tâm tánh là đồng. Như Lai xem khắp cả tam thừa lục phàm đều như con một. Vì sao vậy? Do họ đều có Phật tánh, đều có thể thành Phật. Tam thừa hãy để đó. Lục phàm là trời, người, A Tu La, súc sanh, ngạ quỷ, địa ngục. Tuy có cao thấp khác nhau vời vợi, khổ vui khác nhau thăm thẳm, nhưng đều chưa đoạn được Hoặc nghiệp, chưa thoát khỏi sanh tử. Phước trời nếu hết liền phải đọa xuống, tội trong địa ngục nếu tiêu bèn lại sanh lên, giống hệt như bánh xe, hết lên cao lại xuống thấp.
Ta nay may được làm thân người, lẽ ra phải khéo léo bày cách để cứu giúp, thương tiếc sanh mạng loài vật, thể hiện đức hiếu sanh của trời đất, thể hiện lòng nhân trắc ẩn trong tâm ta. Ấy là vì các loài vật và ta cùng sống trong vòng trời đất, cùng hưởng sự sanh trưởng, dưỡng dục của trời đất. Lại cùng biết tham sống, cùng biết sợ chết. Người có lòng nhân đối với xương khô còn nhặt lấy đem chôn, đối với cỏ cây còn để mọc dài chẳng chặt, há chịu vì sung sướng bụng miệng mà khiến cho các loài vật trên cạn, dưới nước phải chịu nỗi khổ cắt, xẻ, nung, nấu ư? Cần biết rằng các loài vật từ vô thỉ đến nay cũng từng ở địa vị cao sang, tôn quý, oai quyền hiển hách, chẳng biết mượn oai quyền để vun bồi ân đức; trái lại, cậy quyền tạo nghiệp, rốt cuộc khiến cho ác nghiệp chất chứa như rừng, đọa trong dị loại, miệng chẳng nói được, tâm không suy nghĩ, thân không tài khéo, nên mắc phải nạn này. Tuy kẻ mạnh ăn thịt kẻ yếu là chuyện đã đành, nhưng oán hận đã kết, há chẳng đời đời kiếp kiếp lo báo thù cái oán niệm này chăng?
Ví dầu con người chẳng nghĩ đến nỗi khổ của những con vật bị giết, lẽ nào chẳng sợ oán nghiệp kết sâu, thường bị chúng giết lại hay sao? Lại chẳng sợ tàn hại loài vật của trời, trời sẽ đoạt mất phước thọ của mình hay sao? Con người chỉ mong quyến thuộc đoàn tụ, thọ mạng dài lâu, thân tâm yên vui, các duyên như ý, rất nên phát tâm đại bi, thực hành phóng sanh, khiến cho thiên, địa, quỷ thần thảy đều thương xót tấm lòng thành thương loài vật của ta, sẽ khiến cho những điều ta mong mỏi được thành tựu.
Nếu cậy mình có tiền tài, mình có trí lực, bày ra đủ cách bắt lấy các con vật hòng thỏa mãn bụng miệng mình, chẳng kể đến nỗi thống khổ của chúng, há còn đáng gọi là con người đứng cùng với trời đất thành Tam Tài hay chăng? Nhưng ta với bọn chúng cùng trong sanh tử từ vô thỉ đến nay, cố nhiên chúng đều là cha, mẹ, anh, em, thê thiếp, con cái của mình, mình cũng là cha mẹ, anh em, thê thiếp, con cái của chúng. Mỗi con vật ấy trong khi làm người hoặc lúc trong dị loại, từng bị ta giết; ta cũng trong lúc làm người, hoặc trong lúc làm dị loại, từng bị chúng giết. Làm kẻ oán, người thân, sanh ra nhau, giết hại lẫn nhau.
Lặng im suy nghĩ, thẹn chẳng muốn sống nữa! Gấp rút sửa đổi, hối hận, vẫn còn là chậm, huống hồ cứ quen thói cũ, vẫn chấp mê tình, cho rằng trời sanh ra dị loại vốn để làm thức ăn cho con người ư? Ta vẫn còn đầy đủ Hoặc nghiệp, nên không có cách nào thoát khỏi luân hồi. Vạn nhất, chúng nó tội đã diệt, lại sanh làm người, thiện căn phát sanh, nghe pháp tu hành, đoạn Hoặc, chứng Chân, đạt thành Phật đạo. Nếu ta đọa lạc, còn mong chúng sẽ rủ lòng Từ cứu viện, ngõ hầu lìa khổ được vui, đích thân chứng Phật tánh. Há có nên cậy vào sức mạnh một thời để đạt [nỗi khổ] bao kiếp dài lâu không được cứu vớt hay chăng?
(Trích: Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Mục IV: Khuyên chú trọng nhân quả, Giảng những điểm trọng yếu trong việc kiêng giết)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *