Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Chữ quan trọng mấu chốt là chữ “Thiện”, đây chẳng phải đã nói rất rõ rồi sao?

Địa Tạng Vương Bồ Tát cưỡi linh thú
(Đức Phật bảo Bồ Tát Phổ Quảng: “Trong đời vị lai nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhân nào nghe được danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát Ma Ha Tát hoặc là chắp tay, hoặc là tán thán, hoặc là đảnh lễ, hoặc là luyến mộ, người đó sẽ vượt qua khỏi tội khổ trong ba mươi kiếp”.)
Đoạn kinh văn này, phần đông người ta xem xong đều rất khó tin, thật chẳng dễ tiếp nhận, tại sao? Làm gì có chuyện dễ dàng như vậy, chuyện tiện lợi như vậy. Một người nghe đến danh hiệu Địa Tạng Bồ Tát hoặc chắp tay, tán thán, đảnh lễ, ưa thích ngưỡng mộ, những sự việc bình thường như vậy bèn có thể siêu việt ba mươi kiếp tội báo, nói vậy hình như hơi quá đáng, làm gì có chuyện lợi ích to lớn như thế! Thật ra trong đoạn kinh văn này, chữ quan trọng mấu chốt là chữ “Thiện”, đây chẳng phải đã nói rất rõ rồi sao? “Thiện nam tử, thiện nữ nhân”, chẳng phải là một người nam, người nữ bình thường; bạn nghe danh, chắp tay bèn có công đức lớn như vậy, chúng ta đọc kinh thường chẳng để ý nên bỏ sót hết. Tiêu chuẩn của chữ thiện này là tiêu chuẩn của kinh Đại Thừa, chúng ta y theo kinh Quán Vô Lượng Thọ Phật để nói, dùng tiêu chuẩn này để nói Tịnh Nghiệp Tam Phước làm được hoàn toàn mới gọi là thiện. Bạn chỉ làm được “Hiếu dưỡng cha mẹ, phụng sự sư trưởng, từ tâm chẳng giết hại, tu thập thiện nghiệp” thì đây là thiện ở cõi trời, cõi người. Kinh này là kinh Đại Thừa, bạn còn chưa đạt đến tiêu chuẩn này.
Nếu thêm “Thọ trì Tam Quy, đầy đủ các giới, chẳng phạm oai nghi” thì đây là thiện của Nhị Thừa. Thanh Văn, Duyên Giác, so với thiện này còn thua một bậc. Cái thiện này nhất định phải “Phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”. Nói cách khác, cả mười một câu đều làm được hết, người này nghe đến danh hiệu của Địa Tạng Bồ Tát, chắp tay, tán thán, thì mới siêu việt ba mươi kiếp tội nghiệp, thế thì còn lời gì để nói nữa? Tự mình có gốc rễ này, thêm vào oai thần gia trì của Phật, Bồ Tát thì chúng ta mới tin tưởng được. Thế nên chữ thiện ở đây chẳng phải là tiểu thiện của phàm phu, đây là chữ
mấu chốt. Rất nhiều người đọc kinh, nghe kinh xong bèn khởi nghi hoặc, chẳng tin là vì chẳng chú trọng đến chữ này, đây là một chữ quan trọng nhất trong đoạn này.
Tiêu chuẩn này chẳng phải là Đại Tâm Phàm Phu nói trong kinh Hoa Nghiêm hay sao? Chúng ta là phàm phu, sao lại nói là đại tâm phàm phu? Phàm phu nghĩa là phiền não của bạn chưa đoạn dứt,chẳng phải Bồ Tát.
(Lược Trích Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện Kinh Giảng Ký -Chủ giảng: Hòa thượng Tịnh Không. Quyển Thượng .PHẨM THỨ SÁU: NHƯ LAI TÁN THÁN: – Tập 19-Tr -453)
Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *