Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Cái gốc của thiên hạ là gia đình. Cái gốc của gia đình là tấm thân

4 điều người có gia đình nên nghe
Quảng Tây là nơi Phật pháp không lưu thông, bà mang thân nữ, lại tự tìm được thầy, tu trì Tịnh nghiệp, thật là khó có! Hôm Mười Bảy tháng Bảy, Quang xuống núi, Mười Chín đến Thượng Hải, Hai Mươi Tám đến Hàng Châu. Hôm Ba Mươi tháng Tám trở về Thượng Hải. Thư từ, văn kiện người khác sai viết giùm chất đống, suốt ngày chẳng được rảnh rỗi, lại còn bận việc túi bụi. Thư của bà từ núi chuyển tới cũng chẳng rảnh rang để phúc đáp. Hôm mồng Sáu tháng Mười trở về núi mới lôi ra trả lời.
Nay gởi qua bưu điện cho bà một gói Quán Âm Bổn Tích Tụng, một gói Văn Sao, một gói Thọ Khang Bảo Giám, xin hãy lắng lòng xem kỹ thì những nghĩa chánh yếu trong Phật pháp, quy củ lớn lao để làm người, pháp môn để liễu sanh tử ngay trong đời này, đạo lý để thất phu cứu giúp thiên hạ sẽ đều biết rõ!
Nay đặt pháp danh cho bà là Huệ Đạo, nghĩa là dùng trí huệ để tự hướng dẫn và hướng dẫn cha mẹ ruột, bố mẹ chồng, chồng và anh em trai, chị em gái, chị em dâu, thân thích, con cái v.v… để họ cùng được gội ân Phật, cùng niệm Phật hiệu. Trong đời này làm một người lành chân thật, lâm chung sang thẳng ao báu để thọ sanh. Cổ nhân thường nói: “Thiên hạ chẳng yên, thất phu có trách nhiệm”. Thất phu, thất phụ làm sao có thể khiến cho thiên hạ bình trị được?
Cần biết rằng: Cái gốc của thiên hạ là gia đình. Cái gốc của gia đình là tấm thân. Gia đình khéo dạy dỗ thì con cái sanh ra sẽ đều hiền thiện. Nhà có con hiền thì đất nước sẽ có hiền tài. Hễ cùng quẫn thì tự yên, ảnh hưởng đến khắp cả làng xóm. Hễ hiển đạt sẽ làm cho người khác đều cùng được lành, tạo lợi ích cho khắp mọi người dân. Lợi ích như vậy phát xuất từ sự giáo dục trong gia đình. Giáo dục trong gia đình thì sự dạy dỗ của mẹ là quan trọng nhất. Đấy chính là lý do vì sao người đời gọi nữ nhân là Thái Thái do họ có thể giúp chồng dạy con, giữ yên bên trong gia đình. Do vậy sẽ đạt hiệu quả là “chồng ắt sẽ thành tựu đức nghiệp, con cái đều hiền thiện”, giống như Thái Khương, Thái Nhiệm, Thái Tự đời Châu vậy. Nếu bà có thể dựa theo những điều đã được nói trong Văn Sao để tự lợi, lợi người, ngõ hầu quý địa cùng được gội nhuần sự giáo hóa của đức Phật, dùng công đức ấy hồi hướng vãng sanh thì sẽ lên thẳng sen báu Thượng Phẩm.
Nói tới đạo “thất phu, thất phụ có thể cứu giúp thiên hạ”, chớ có hiểu lầm! Đấy chính là “trọn hết bổn phận của chính mình, dốc lòng vun vén luân thường, cha từ, con hiếu, chẳng phụ bạc thiên chức [của chính mình]”. Lại còn đề xướng nhân quả báo ứng và giáo dục trong gia đình, nhưng giáo dục trong gia đình phải chú trọng nhất nơi nhân quả báo ứng. Làm được như thế thì hết thảy mọi người sẽ tự có thể mong mỏi “đừng làm các điều ác, vâng làm các điều lành”, lại còn “tu trì Tịnh nghiệp, lợi khắp các hàm thức”. Đấy chính là cứu giúp, chỉ có như vậy mà thôi! Những kẻ cổ động nam nữ bình quyền hiện thời, muốn cho nữ nhân làm chuyện của nam giới, chẳng biết phát huy chuyện giúp chồng dạy con, đáng thương quá sức!
Năm sau sẽ còn có Ấn Quang Pháp Sư Gia Ngôn Lục, Di Đà Kinh Bạch Thoại Chú được in ra, cũng sẽ gởi cho bà chừng đó gói. Văn Sao, Quán Âm Tụng, Thọ Khang Bảo Giám, nếu có ai tin nhận thì cũng sẽ lại gởi chừng đó trong mùa Xuân năm sau để mong lợi khắp người nơi quý địa.
Chữ Niệm (念) trong “niệm Phật” chớ nên thêm chữ Khẩu (口). Chữ Niệm [hàm nghĩa phát xuất] từ nơi tâm. Nếu thêm vào chữ Khẩu thì Niệm (唸) sẽ có nghĩa là rên rỉ, chứ không có nghĩa là ức niệm (nghĩ nhớ) nữa.
Bài thơ của bà hay lắm, nhưng chớ nên thường làm thơ. Bởi lẽ, thường làm thơ thì trong tâm sẽ thường chú trọng cân nhắc, chọn lựa từ ngữ, niệm Phật sẽ trở thành chuyện ngoài da, làm thơ trở thành chuyện cốt tủy! Làm sao đạt lợi ích chân thật nơi niệm Phật cho được? Hết thảy văn nhân hễ muốn đạt được lợi ích thật sự đều phải nên như vậy. Huống chi bà là nữ nhân, há nên dùng thơ ca để được nổi danh ư? Phàm đối với những kinh sách giảng nói Phật pháp đều phải nên cung kính, chớ nên khinh nhờn! Muốn tặng cho người khác thì trước đấy phải đem điều này răn nhắc họ, ngõ hầu họ chẳng đến nỗi lầm lỡ gây nên tội báo!
(Trích: Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tam Biên, thư trả lời bà Bạch Huệ Đạo)
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *