Hòa Thượng Tịnh Không, Lời dạy của đức phật

Ba loại ruộng phước thường nói trong Kinh Phật!

Công đức này lớn lắm
Chân tướng của vũ trụ nhân sinh là một hiện tượng của nhân duyên, quả báo. Phật ở trong tất cả Kinh luận đều nói như vậy, Pháp thế gian, Pháp xuất thế gian không có ngoại lệ.
Nói trắng ra chính là sự chuyển biến của nhân quả, cho nên, nó không phải thường kiến cũng không phải đoạn kiến. Sự tuần hoàn của nhân quả, sự tương tục của nhân quả, đây là chân tướng của tất cả chúng sanh trong thế giới hư không, thế xuất thế gian. Chúng ta phải hiểu rõ. Sau khi hiểu rõ rồi thì “ư chư phước điền, hoan hỷ kính dưỡng”.
– Kính là tôn kính.
– Dưỡng là cúng dường.
Chủng chủng phước điền, điền là thí dụ, đất ruộng có thể sinh trưởng lương thực ngũ cốc, ruộng này có thể sinh phước bèn gọi là phước điền. “Phước điền” ở trong Kinh Phật thông thường nói có ba loại:
– Loại thứ nhất là “Kính điền”, đây gọi là “kính nhân giả, nhân hằng kính chi”. Chúng ta tôn kính đối với người khác, người ta cũng sẽ tôn kính đối với chúng ta. Đại biểu chủ yếu của kính điền là Tam bảo, chúng ta cung kính đối với Tam bảo, nhưng phải hiểu rằng, cần phải đem sự cung kính đối với Tam bảo dùng vào trong thân của tất cả chúng sanh. Ta cung kính đối với Phật như thế nào, thì ta cung kính đối với tất cả chúng sanh cũng như vậy, vậy là đúng. Cách làm này của bạn gọi là hạnh Phổ Hiền. Chỗ khác nhau của hạnh Phổ Hiền với hạnh Bồ-tát thông thường là hạnh Phổ Hiền dùng tâm chân thành, tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, không có cao thấp, xem Phật và tất cả chúng sanh là đều bình đẳng, một lòng cung kính thì có được quả báo không thể nghĩ bàn. Đây gọi là kính điền.
– Loại thứ hai là “Ân điền”.Ân điền là lấy cha mẹ làm đại biểu. Cha mẹ là ân nhân lớn nhất của chúng ta, chúng ta phải tri ân báo ân, đem tâm hạnh báo đáp công ơn cha mẹ, dùng vào trong thân tất cả chúng sanh. Đồng tu nhà Phật, bất kể là bạn tu theo tông phái nào, pháp môn nào, hằng ngày niệm kệ hồi hướng: “Trên đền bốn ơn nặng, dưới cứu khổ ba đường”. Chúng ta có cái tâm báo ân này hay không? Tâm còn không có thì làm gì có hành vi báo ân? Chúng ta dùng cái gì để báo ân? Dùng tâm thiện, niệm thiện, hạnh thiện, cả đời nỗ lực tu thiện. Đối với tất cả người, tất cả việc, tất cả vật, chúng ta dùng hành vi này báo đáp ân cha mẹ, báo đáp ân thầy tổ, báo đáp tất cả chúng sanh ân cung cấp cho chúng ta tất cả điều kiện sống. Đây là ân điền.
– Loại thứ ba là “Bi điền”.Tất cả chúng sanh khổ nạn trên thế gian, chúng ta phải tận tâm, tận lực giúp đỡ họ, giúp đỡ họ thoát khỏi cơ hàn. Trong đây cần sự giúp đỡ vật chất, nhưng cần thiết và quan trọng hơn là sự giúp đỡ về giáo dục. Quí vị phải biết rằng, giúp đỡ về vật chất là giúp đỡ nhất thời, giải quyết cái đau khổ trước mắt của họ. Cổ nhân Trung Quốc nói rất hay: “Giúp ngặt không giúp nghèo”. Trước mắt họ bị tai nạn thì chúng ta phải cứu giúp họ, nhưng nghèo khổ thì không cách gì cứu nổi.
Nếu muốn cứu nghèo khổ, đó là việc của cả đời họ. Làm sao giúp người nghèo khổ đây? Giáo dục họ, dạy họ có năng lực kỹ thuật để họ tự mình có thể độc lập mưu sinh. Cho nên, lập trường học là phương pháp cứu nghèo duy nhất, giúp đỡ họ phá mê khai ngộ. Họ giác ngộ rồi là có thể sống đời sống hạnh phúc viên mãn. Cho nên, cổ thánh tiên hiền, bất kể trong hay ngoài nước, không có ai mà không coi trọng giáo dục.
HT. Ân Sư
A Di Đà Phật xin thường niệm
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *