Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Ba điều trọng yếu để cầu con – Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên

Quán Thế Âm
Thứ nhất giữ thân tiết dục để vun bồi Tiên Thiên [*Trong Đông Y, Tiên Thiên chỉ cho những gì được bẩm thụ từ lúc mới thụ thai, tức cơ sở vật chất hình thành một cá nhân, còn Hậu Thiên là những gì được bồi đắp, trưởng dưỡng sau khi sanh ra]. Thứ hai là giữ vẹn luân thường, tích đức để lập nền phước, thứ ba là khéo dạy từ khi còn trong thai và khi con còn thơ ấu để con khỏi học theo thói phàm. Ba chuyện trọng yếu này phải chú tâm thực hành. Ngoài ra lại còn dùng lòng chí thành lễ niệm đức Quán Thế Âm, cầu Ngài ban cho đứa con phước đức, trí huệ, rạng danh tổ tiên, vẻ vang đất nước, ắt sẽ được như lòng mong cầu, chẳng phụ thánh ân vậy!
​1) Thứ nhất, giữ thân tiết dục để vun bồi Tiên Thiên:
Nếu chẳng tiết dục thì tinh khí bạc nhược ắt khó thọ thai được. Dẫu có thọ thai ắt khó thành người! Dẫu được thành người, nhưng vì Tiên Thiên chẳng đủ, chắc chắn sẽ bấy bớt, đã không có thân lực mạnh mẽ, dũng mãnh, khỏe khoắn, mà cũng chẳng có tâm lực thông minh, mẫn tiệp, nhớ dai, chưa già đã suy, chẳng làm nên cơm cháo gì! Cầu được đứa con như thế dù Bồ Tát có thỏa nguyện thì thật ra người [cầu con] cũng đã phụ ân Bồ Tát rất sâu vậy.
2) Thứ hai, giữ vẹn luân thường, tích đức để lập nền phước:
Muốn sanh được đứa con phước đức, trí huệ, rạng danh tổ tiên, vẻ vang đất nước, ắt phải giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, hiếu thuận cha mẹ, kính trọng người bề trên, đối đãi tốt đẹp với quyến thuộc, thương xót giúp đỡ tôi tớ, đấy là những điều phải làm trong gia đình. Còn đối với xóm giềng, bạn bè đều phải nên hòa mục, khuyên dạy, khiến cho người già khéo dạy con cái, trẻ nhỏ khéo phụng sự cha mẹ, người bề trên, thường dùng những thuyết “giữ vẹn luân thường, trọn hết bổn phận, kiêng giết, bảo vệ sanh mạng, ăn chay, niệm Phật, nguyện sanh Tây Phương, vĩnh viễn thoát khỏi khổ luân” để khẩn thiết diễn nói với khắp mọi người cùng hàng khiến họ bồi đắp cái nhân xuất thế thù thắng, đều thành dân lành giữ đạo. Người làm được như thế thì nhất cử nhất động đều có ích cho mình lẫn người, mỗi lời nói, mỗi hành vi đều đáng làm khuôn phép, đứa con sanh ra ắt sẽ siêu quần bạt tụy, có thành tựu lớn lao. Cố nhiên Bồ Tát khiến cho con người được mãn nguyện mà con người cũng an ủi tấm lòng Bồ Tát vậy.
​3) Thứ ba, khéo dạy từ khi còn trong thai và khi con còn thơ ấu để con khỏi học theo thói phàm:
Những bậc thánh nhân thuở trước đều do cha mẹ hiền khéo dạy mà thành, huống chi phàm nhân? Nếu người cầu con chịu dùng cách thai giáo, đứa con nhất định hiền thiện. Sau khi cấn thai rồi, [người mẹ phải giữ sao cho] hình dung đoan trang, chân thành, thanh tĩnh, lời lẽ phải trung hậu, hòa bình, cư xử phải hiếu hữu, cung kính, hòa thuận. Đi – đứng – nằm – ngồi thường niệm thánh hiệu Quán Âm. Bất luận niệm ra tiếng hay niệm thầm đều phải lắng tai nghe. Hễ nghe thì tâm quy về một mối, công đức càng lớn. Nếu áo mũ tề chỉnh, rửa tay, súc miệng sạch sẽ thì niệm ra tiếng hay niệm thầm đều được. Nếu chưa tắm gội, súc miệng, đi đến nơi không sạch sẽ và lúc ngủ nghỉ, hãy đều nên niệm thầm.
Công đức niệm thầm giống hệt [niệm ra tiếng, chứ những lúc ấy mà] niệm ra tiếng thì không hợp [nghi thức cung kính]. Nhưng đến khi sanh nở chớ nên niệm thầm, vì lúc sanh nở phải dùng sức để đẩy đứa con ra. Nếu ngậm miệng niệm, ắt sẽ bị bệnh tắc khí! Sản phụ tự niệm, gia quyến đều trợ niệm, chắc chắc chẳng bị khó sanh, cũng không bị những điều nguy hiểm sau khi sanh nở. Nếu có thể cẩn thận thân – miệng – ý như thế, kiền thành niệm Quán Âm mong cho thai nhi được hưởng chánh khí thuần thiện ấy thì đứa con sanh ra chắc chắn chẳng phải là hạng tầm thường.
Đến khi con hiểu biết, liền nói với nó về nhân quả, báo ứng, lợi người lợi vật ắt tốt lành, hại người hại vật ắt tiêu vong! Phải biết: Lợi người lợi vật thật sự là lợi mình, hại người hại vật còn quá hơn hại mình, làm lành ắt có thiện báo, tạo ác ắt bị ác báo. Lại còn nói làm người ắt phải tuân hành tám đức “hiếu, đễ, trung, tín, lễ, nghĩa, liêm, sỉ” thì mới chẳng thẹn làm người! Nếu không, tuy mang hình dáng con người, tâm hệt như cầm thú vậy! Chẳng được nói dối, chẳng được bừa bãi, cuồng ngạo, chẳng được chiếm đoạt đồ vật của người khác, chẳng được đánh chửi người ta, chẳng được giẫm đạp trùng kiến, giấy có chữ, ngũ cốc, đồ vật. Cử động hành vi ắt phải có ích cho cha mẹ, cho chính mình, không gây tổn hại đến người đến vật.
Ngoài ra, hãy nên dạy nó thường niệm thánh hiệu Quán Âm để mong tiêu trừ ác nghiệp, tăng trưởng thiện căn. Tập quen từ thơ ấu, lớn lên sẽ là người thuần thành, chuyên dốc, chẳng đến nỗi tự kiêu khinh người, thành phường cuồng vọng. Khéo dạy như thế thì đối với tổ tông là đại hiếu, đối với con cái là đại từ, đối với nước nhà xã hội là đại trung. Tôi thường nói: “Quyền trị quốc bình thiên hạ hàng nữ nhân nắm quá nửa” là vì lẽ này. Đức cao đẹp ấy có thể nối gót ba bà Thái đời Châu ngõ hầu chẳng phụ danh xưng Thái Thái! Nguyện những người cầu con hãy đều nên lấy những điều trên đây làm khuôn phép thì nước nhà sẽ may mắn lắm thay!
(Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên, Sớ lễ niệm Quán Thế Âm Bồ Tát cầu con)
Được gắn thẻ , , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *