Ấn Quang Đại Sư, Lời dạy của đức phật

Ấn Quang Đại Sư có đôi lời khai thị về tâm sanh tử tha thiết

Ý nghiệp dừng thì sanh tử mới dứt
🌿 Niệm Phật [phải niệm] như mình đang bị rơi vào nước, đang bị lửa cháy, như cứu đầu đang bị thiêu đốt thì chẳng có nghiệp chướng và ma chướng gì mà không bị tiêu diệt.
Yếu quyết muốn cầu thoát khổ chỉ là mỗi niệm phải sợ chết, khi chết liền bị đọa vào tam đồ ác đạo, được vậy thì niệm Phật tự nhiên sẽ thuần, tịnh nghiệp tự nhiên thành tựu. Hết thảy trần cảnh chẳng thể đoạt mất chánh niệm ấy.
Niệm Phật phải thường nghĩ mình sắp chết, nghĩ mình sắp đọa địa ngục, thì không khẩn thiết cũng sẽ khẩn thiết, không tương ứng cũng sẽ tự tương ứng. Dùng tâm sợ khổ để niệm Phật chính là diệu pháp đệ nhất để thoát khổ, cũng là diệu pháp đệ nhất để tùy duyên tiêu nghiệp.
Niệm Phật tâm chẳng quy nhất là vì tâm sanh tử chẳng khẩn thiết. Nếu nghĩ mình đang bị nước cuốn, bị lửa thiêu chẳng có cách nào cứu chữa nên gần sắp chết, hoặc nghĩ mình gần bị đọa địa ngục thì tâm tự quy nhất, chẳng cần phải tìm diệu pháp nào khác.
Niệm Phật không hôn trầm thì tán loạn, đó là hiện tượng dùng tâm qua quýt làm cho lấy có, làm cho xong chuyện [để niệm Phật]. Nếu [nghĩ mình đang] bị rơi vào nước lửa, gặp giặc cướp, tâm mong cầu mau được cứu vớt thì sẽ hết những khuyết điểm nêu trên.
Khi họa hại bức bách thì thành khẩn, tha thiết. Khi nhàn rỗi vô sự thì khoan thai, thong thả. Đó là căn bịnh chung của phàm phu. Trong thời thế hiện nay, tình hình đời đạo như đang nằm yên trên đống củi, phía dưới đã bốc lửa mạnh chưa đốt đến thân, nhưng chớp mắt liền cháy lan ra khắp toàn thể, trọn pháp giới không chỗ nào trốn được, vậy mà vẫn còn lơ là, vẫn coi thường để ngày tháng trôi qua, chẳng thể chuyên chí cầu cứu nơi một câu Phật hiệu thì cái tri kiến đó thiển cận quá mức vậy.
🍀Trích: Tâm sanh tử không tha thiết.
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *