Đức Phật

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là thầy của bảy Đức Phật

Văn Thù Bồ Tát - Vị Phật dùng trí tuệ dẫn đường chúng sinh

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát thực ra là một cổ Phật. Trong đời quá khứ, Ngài đã thành Phật, hiệu là Long Chủng Thượng Tôn Vương Phật. Còn trong đời hiện tại bây giờ, Ngài chính là Hoan Hỷ Tạng Ma Ni Bảo Tích Phật; Quốc độ là Hoan Hỷ Thế Giới ở phương Bắc. Tuy đã thành Phật, Ngài vẫn quay thuyền từ bi trở lại cõi Ta Bà, “giấu lớn hiện nhỏ,” thị hiện làm Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

  • Liên Tông Nhị Tổ: Đại sư Thiện Đạo .
  • Liên Tông Tam Tổ Đại sư Thừa Viễn
  • Hòa Thượng Tuyên Hóa – Cuộc đời& Đạo nghiệp
  • Hòa Thượng Hư Vân, Cuộc đời và Đạo nghiệp
  • Ma Ha Ca Diếp Tôn giả.
  • A Nan Tôn giả.
  • Đế Thích Thiên là ai.
  • Chuyện tâm linh có thật.
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát
Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát còn được gọi là Diệu Ðức Bồ Tát hoặc Diệu Kiết Tường Bồ Tát. Vì sao gọi là “Diệu Ðức”? Bởi vì khi Ngài ra đời thì có mười điềm lành xảy ra:

  1. Ánh sáng đầy nhà.
  2. Cam lồ đầy nhà.
  3. Dưới đất vọt lên bảy thứ quý báu.
  4. Chư thần mở các kho tàng ẩn giấu.
  5. Gà sanh ra phượng hoàng.
  6. Heo sanh ra rồng.
  7. Ngựa sanh ra kỳ lân.
  8. Trâu sanh ra bạch trạch.
  9. Kho thóc biến thành vàng.
  10. Voi sáu ngà xuất hiện.

Do mười hiện tượng kỳ diệu không thể nghĩ bàn này, nên Ngài có tên là Diệu Ðức. Lại nữa, bởi vì đó cũng toàn là những điềm lành, đem lại sự may mắn cát tường, cho nên Ngài còn có tên là Diệu Kiết Tường.

Mục lục

 Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Theo Phẩm thứ nhất, Kinh Pháp Hoa, Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là “Sư tổ” của Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni. Vì sao? Thuở truớc, khi chưa xuất gia, Ðức Phật Nhật Nguyệt Ðăng Minh có tám người con trai. Về sau cả tám người này đều tu hành thành Phật, người thành Phật sau rốt có danh hiệu là Phật Nhiên Ðăng.

Thầy của Ðức Phật Nhiên Ðăng này là Pháp Sư Diệu Quang. Pháp Sư Diệu Quang là ai? Chính là tiền thân của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi! Còn Ðức Phật Thích Ca Mâu Ni thì vốn là học trò của Ðức Phật Nhiên Ðăng và được Ðức Phật Nhiên Ðăng thọ ký làm Phật trong đời này.

Do đó, nếu luận về thứ bậc thì Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi thuộc vai trên – Tức là “Sư tổ” của Phật Thích Ca Mâu Ni. Thế nhưng, trong đời này thì Phật Thích Ca Mâu Ni thị hiện thành Phật, còn Bồ Tát Văn Thù thì lại làm đệ tử của Ngài.

Quý vị xem, cảnh giới của Bồ Tát quả thật là không có hình tướng, chẳng phân lớn nhỏ, chẳng hiềm cao thấp-hoàn toàn không có sự phân biệt. Thế nên, khi giảng Kinh Kim Cang, tôi thường nhắc nhở quý vị rằng:

Thị pháp bình đẳng, vô hữu cao hạ.

(Pháp vốn bình đẳng, chẳng có cao thấp.)

10 Điều Cát Tường phát sinh khi Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi ra đời

Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi là vị Bồ Tát rất đặc thù. Khi Ngài ra đời thì có mười điều cát tường phát sinh, chẳng giống các vị Bồ Tát khác. Bồ Tát Văn Thù là bậc đại trí huệ, có bạn sẽ hỏi: “Tôn Giả Xá Lợi Phất cũng là bậc đại trí huệ. Vậy giữa Bồ Tát Văn Thù và Ngài Xá Lợi Phất có gì khác biệt ?” Trí huệ của Bồ Tát Văn Thù là thật trí, trí huệ đại thừa; Còn trí huệ của Tôn Giả Xá Lợi Phất là quyền trí, trí huệ tiểu thừa. Sau đây là mười điều cát tường phát sinh khi Bồ Tát Văn Thù ra đời.

1. Quang minh đầy phòng. Quang minh nầy sáng hơn bất cứ ánh sáng đèn gì, đại biểu đại trí huệ của Bồ Tát.

2. Cam lồ đầy sân. Cam lồ là một thứ nước bất khả tư nghì, có thể trị lành đủ thứ bệnh. Nước này nếu ai uống được thì chẳng bị uy hiếp về khổ sinh, già, bệnh, chết.

3. Ðất vọt lên bảy báu. Bảy báu là: Vàng, bạc, lưu ly, pha lê, xà cừ, xích châu, mã não. Tại sao bảy báu vọt lên? Vì Đại Trí Văn Thù Bồ Tát đã tu lục độ vạn hạnh hết sức cứu kính viên mãn. Cho nên Ngài đến đâu cũng đều cảm ứng châu báu từ dưới đất xuất hiện.

4. Thần thông khai mở bảo tàng. Sức đại thần thông của Văn Thù Bồ Tát, khiến cho đất nứt ra mà lộ ra bảo tàng ẩn náu ở dưới đất. Đây chẳng giống đất vọt lên bảy báu, như điều thứ ba ở trên, ở đây đất nứt xé ra mà hiển lộ ra bảo tàng.

*

5. Gà sinh phụng hoàng. Ðiềm nầy càng chẳng tầm thường so với điềm vừa rồi ở trên. Kì thật, gà chỉ sinh gà, nhưng vì Bồ Tát Văn Thù ra đời là việc phi thường đặc thù, cho nên trứng gà nở ra Phụng hoàng.

6. Heo sinh Rồng con. Ðiềm cát tường nầy, càng hi kỳ ít thấy hơn gà sinh Phụng hoàng. Nếu bạn đã cảm thấy quá bất khả tư nghì, thì hãy xem mấy điềm dưới đây nữa.

7. Ngựa sinh Kì lân. Kì lân, thân nai đuôi bò, một sừng. Ngựa mà sinh kì lân là điều hiếm có trên đời.

8. Bò sinh Bạch trạch. Bạch trạch là tên của loài thần thú, biết nói. Là mội loài thần thú hiếm có vô cùng mà cát tường, chẳng giống bò cũng chẳng giống ngựa.

9. Thóc biến thành vàng. Các bạn nghĩ có kì dị chăng? Có những người cho rằng thật là quá kì dị, cho nên không tin. Nếu bạn không tin là vì bạn chẳng minh bạch. Nếu bạn minh bạch thì chẳng có nghi vấn gì. Bởi trước kia chắc chắn bạn chưa nghe qua những việc nầy, cho nên làm sao bạn tin được. Bất quá, thế giới nầy quá rộng lớn, mà những gì chúng ta thấy nghe đều có hạn. Vì chúng ta chưa nghe qua những hiện tượng kì dị nầy, khi thóc chuyển biến thành thóc bằng vàng rồi, thì không thể làm vật ăn nữa, nhưng đó chỉ là số ít.

*

10. Voi đủ sáu ngà. Thông thường chúng ta chỉ biết voi có hai ngà. Nhưng khi Bồ Tát Văn Thù ra đời, thì voi đều mọc ra sáu cái ngà, bạn nói đó có kì dị chăng? Có vị cư sĩ hỏi: “Tại sao voi đủ sáu ngà?” Sáu ngà là tượng trưng cho sáu độ (lục độ), voi là đại biểu cho vạn hạnh.

Ðó là mười điềm cát tường hiển hiện khi Bồ Tát Văn Thù ra đời, đó cũng là biểu hiện Ngài thuyết pháp biện tài vô ngại. Bồ Tát Văn Thù trí huệ đệ nhất trong chúng Bồ Tát. Ngài có đầy đủ dũng mãnh thật trí, thuyết pháp viên dung vô ngại. Nếu như các bạn nghe được Bồ Tát Văn Thù thuyết pháp, thì các bạn sẽ thấy sự giảng pháp của tôi còn thua Ngài xa lắm, chẳng cách chi so sánh được. Hoặc có bạn sẽ nói: “Chúng con rất thích Hoà Thượng giảng pháp. Chúng con cảm thấy Hoà Thượng giảng rất là hay.” Nhưng nếu quý vị nghe được sự giảng pháp của Bồ Tát Văn Thù, thì sẽ biết không thể sánh với Ngài được.

Sự tích Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát

Bồ Tát Văn Thù ở tại núi Ngũ Ðài, là đạo tràng Ngài thường hiển hiện. Thần thông diệu dụng của Ngài thật không thể nghĩ bàn.

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Hòa Thượng Hư Vân

Lão Hoà Thượng Hư Vân đã từng phát nguyện đi ba bước lạy một lạy. Từ Nam Hải núi Phổ Ðà lạy đến núi Ngũ Ðài cầu sự cảm ứng của Bồ Tát Văn Thù, khiến cho Ngài cũng đắc được đại trí. Lộ trình ba bước một lạy dài khoảng năm sáu ngàn dặm, bạn nói phải lạy bao lâu mới xong? Là một đoạn thời gian rất dài, nếu muốn biết tỉ mỉ thì hãy xem quyển Hư Vân Lão Hoà Thượng Niên Phổ, hoặc là Họa Truyện.

Trong đó có một đoạn như thế nầy: Ngài Hư Vân lạy đến sông Hoàng Hà, thì vào lúc mùa đông tuyết xuống quá nhiều, mới tá túc cạnh bờ sông, trong một cái sạp để tránh tuyết rơi. Trải qua mấy ngày tuyết từ từ bớt dần, Ngài cũng đói rã rượi, gần như sắp chết. Lúc đó có một vị ăn mày đến, lấy cỏ che chung quanh cái sạp, nổi lửa nấu cháo gạo vàng, dâng cho Hoà Thượng dùng. Ăn xong thì hồi phục sức lại, Ngài Hư Vân mới hỏi vị ăn mày tên họ và từ đâu đến. Vị ăn mày nói :”Họ Văn tên Cát, đến từ Ngũ Ðài, ai cũng đều biết tôi.”

*

Sau đó vị ăn mày này mang hành lý cho Ngài Hư Vân, khiến Ngài Hư Vân lạy rất là thuận tiện. Trên đường đi, có khi vào chùa tá túc, nhưng Hoà Thượng trong chùa chuyên môn khinh khi vị ăn mày nầy, lại mắng Ngài Hư Vân:

“Ông lễ lạy thì lễ lạy, sao còn dẫn kẻ ăn mày đi theo!” Ngài Hư Vân bị người mắng chửi, còn vị ăn mày lại càng bị người mắng chửi, thậm chí không cho vị ăn mày ngủ ở trong chùa, bị đuổi ra khỏi chùa.

Vị ăn mày nói với Ngài Hư Vân:”Từ đây còn cách núi Ngũ Ðài chẳng bao xa. Tôi đi về trước, ông từ từ đến. Hành lý của ông chẳng bao lâu sẽ có người mang lên núi cho ông.” Quả nhiên giữa đường, Ngài Hư Vân gặp một vị quan đánh xe ngựa, giúp Ngài mang hành lý đến núi Ngũ Ðài, còn Ngài Hư Vân thì ba bước một lạy.

Khi đến núi Ngũ Ðài, mới hỏi các vị Hoà Thượng của núi Ngũ Ðài, có biết một vị ăn mày tên là Văn Cát chăng! Nhưng chẳng có ai biết, sau đó mới kể cho một vị Tăng nghe, thì vị Tăng chắp tay lại nói: “Ðó là hóa thân của Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát !” (Văn là Văn Thù, Cát là Diệu Cát Tường).

*

Ngài Hư Vân lạy Bồ Tát Văn Thù, được sự cảm ứng của Bồ Tát Văn Thù đến giúp đỡ Ngài. Ngài với Bồ Tát ở chung khá lâu nhưng cũng chẳng biết, kết quả sau nầy mới biết là Bồ Tát Văn Thù hiển thánh, thế mà chẳng nhận ra.

Cho nên, chỗ diệu của Bồ Tát Văn Thù thật không thể nghĩ bàn. Vì chỗ diệu của Ngài, nên hóa thành một kẻ ăn mày. Nếu Ngài biến thành một ông trưởng giả giàu hoặc đánh xe ngựa đến giúp đỡ Hoà Thượng cũng có thể. Nhưng Ngài không làm như thế ! Ngài cũng nguyện theo Hoà Thượng chịu khổ. Cho nên, đó là đại trí đại huệ của Bồ Tát Văn Thù Sư Lợi.

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát và Pháp Chiếu Tổ Sư

Theo tập ba của Cao Tăng Truyện, trong truyện của Pháp Chiếu đại sư có nói: Vào năm Đại Lịch thứ hai (767), Sư trụ tại chùa Vân Phong ở Hành Châu, nhiều lần thấy thánh cảnh hiện trong bát cháo, chẳng biết là danh sơn nào. Có vị Tăng đã từng đến Ngũ Đài, bảo cảnh đấy ắt phải là Ngũ Đài.

Năm Đại Lịch thứ năm, vào ngày mùng sáu tháng Tư. Đại sư cùng đồng bạn mới đến chùa Phật Quang ở huyện Ngũ Đài. Đêm ấy, vào khoảng canh tư, ngài thấy ánh sáng lạ từ xa chiếu đến thân mình. Ngài liền nhắm phỏng chừng tia sáng mà theo dõi. Đi được năm mươi dặm thì đến một dãy núi, dưới chân núi có khe nước, phía Bắc khe có cửa cổng bằng đá. Nơi cửa có hai vị đồng tử đứng đón chờ, tự xưng là Thiện Tài và Nan Đà. Theo chân hai đồng tử dẫn đường, ngài đến một ngôi chùa nguy nga, biển đề: “Đại Thánh Trúc Lâm Tự”.

Nơi đây đất vàng, cây báu, ao sen, lầu các rất kỳ diễm trang nghiêm. Cảnh giới quả đúng như ảnh tượng đã thấy nơi bát cháo khi trước. Ngài vào chùa, lên giảng đường, thấy Đức Văn Thù bên Tây, đức Phổ Hiền bên Đông. Hai vị đều ngồi tòa sư tử báu cao đẹp, đang thuyết pháp cho một muôn vị Bồ Tát ngồi phía dưới lặng lẽ lắng nghe.

*

Pháp Chiếu bước đến chí thành đảnh lễ, rồi quỳ xuống thưa rằng: “Kính bạch Đại Thánh! Hàng phàm phu đời mạt pháp, cách Phật đã xa, chướng nặng nghiệp sâu; Tri thức kém hẹp, tuy có Phật tánh mà không biết làm sao hiển lộ. Giáo pháp của Phật lại quá rộng rãi mênh mông, chưa rõ pháp môn nào thiết yếu, dễ tu hành cho mau được giải thoát?”

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát bảo: “Thời kỳ này chính là đúng lúc các người nên niệm Phật. Trong các hành môn không chi hơn niệm Phật và gồm tu phước huệ. Thuở đời quá khứ, ta nhờ quán Phật, niệm Phật, cúng dường Tam Bảo mà được Nhất thiết chủng trí. Tất cả các pháp như: Bát Nhã Ba La Mật, những môn thiền định rộng sâu, cho đến chư Phật cũng từ niệm Phật mà sanh. Vì thế nên biết, Niệm Phật là vua trong các pháp môn.”

Ngài Pháp Chiếu lại hỏi: “Bạch Đại Thánh! Nên niệm như thế nào?”

Đức Văn Thù dạy: “Về phương Tây của thế giới này, có Phật A Di Đà giáo chủ cõi Cực Lạc. Đức Thế Tôn đó nguyện lực không thể nghĩ bàn! Ngươi nên chuyên niệm danh hiệu của Ngài nối tiếp không gián đoạn. Thì khi mạng chung, quyết được vãng sanh, chẳng còn bị thoái chuyển.”

*

Nói xong, hai vị đại Thánh đồng đưa tay sắc vàng xoa đầu ngài Pháp Chiếu và bảo rằng: “Do ngươi niệm Phật, nên không lâu sẽ chứng được quả Vô thượng Bồ Đề. Nếu thiện nam tín nữ nào muốn mau thành Phật, thì không chi hơn niệm Phật. Kẻ ấy nhất định sẽ mau lên ngôi Chánh Đẳng Chánh Giác.”

Tháng Chạp năm ấy, ngài nhập đạo tràng niệm Phật nơi chùa Hoa Nghiêm định kỳ tuyệt thực tu hành, nguyện vãng sanh về Tịnh độ. Đêm đầu hôm, ngày thứ bảy, đang lúc niệm Phật, Đại Sư bỗng thấy một vị Phạm Tăng bước vào bảo: “Ông đã thấy cảnh giới ở Ngũ Đài Sơn, sao không truyền thuật cho người đời cùng được biết?”. Nói xong, liền ẩn mất. Hôm sau, trong lúc niệm Phật, vị Phạm Tăng hiện ra, bảo y như trước.

Ngài đáp: “Không phải tôi dám giấu kín thánh tích, nhưng chỉ sợ nói ra người đời không tin sanh sự chê bai mà thôi”. Phạm Tăng bảo: “Chính đức Đại Thánh Văn Thù hiện tại ở núi này mà còn bị người đời hủy báng, thì ông còn lo ngại làm chi? Hãy đem những cảnh giới mà ông thấy được truyền thuật với chúng sanh làm duyên cho kẻ được biết, phát khởi tâm Bồ đề”.

Đại sư Pháp Chiếu vâng lời, nhớ kỹ lại những sự việc đã thấy, rồi ghi chép ra truyền lại cho mọi người.

Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát: Lời kết

Tổ Ấn Quang bảo: “Văn Thù Sư Lời Bồ Tát chính là thầy của bảy đức Phật. Ngài tự nói: “Ta trong quá khứ do quán Phật, do niệm Phật nên nay đắc Nhất Thiết Chủng Trí”. Do vậy, hết thảy các pháp, Bát Nhã Ba La Mật, thiền định rất sâu, thậm chí chư Phật đều sanh từ niệm Phật.

Quá khứ chư Phật còn sanh từ niệm Phật, huống chi chúng sanh đời Mạt Pháp nghiệp nặng, phước nhẹ, chướng sâu, huệ cạn mà miệt thị niệm Phật chẳng chịu tu hành, ý muốn siêu thoát, vào thẳng địa vị Như Lai, chẳng biết rằng dù có muốn nối gót hít bụi của Ngũ Tổ Giới, Thảo Đường Thanh vẫn còn chưa được nữa ư?”

Tuệ Tâm mỗi lần đọc lại lời Tổ, xem lại tích Ngài Pháp Chiếu gặp đức Văn Thù, vẫn cảm thán khôn nguôi! Phàm phu chúng ta sanh nhằm thời mạt, bị nghiệp ngăn chướng che, nên ngụp lặn trong sanh tử luân hồi. Quả thực là: “Chư Phật nhớ chúng sanh như mẹ nhớ con, luôn giang tay mỏi mắt ngóng chờ. Nhưng chúng sanh ham mê ngũ dục, chẳng muốn hồi đầu, Phật cũng chẳng biết phải làm sao!”

Những lần lang thang cùng Thầy khắp các nghĩa trang, thấy nơi nơi mộ trẻ nhiều hơn mộ già, hiếm người trường thọ, Thầy thường rơi nước mắt bảo: “Thời này độ Ma dễ hơn độ người!”

Mãi về sau khi chứng kiến đời đạo đảo điên, mới hiểu tại sao Thầy thường cảm thán như thế!!!

(Đại Trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát là Thầy của bảy đức Phật – Hòa Thượng Tuyên Hóa giảng)

Tuệ Tâm 2021.

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *