Đệ Tử Quy – Phép tắc người con, Thầy Giáo Thái Lễ Húc

Tưởng thiện mà không thiện – tưởng tốt mà nguy hại

Một niệm tự tư, tự lợi thì cho dù có lễ phép đến mấy cũng là ác - HT Tịnh Không - Thái Lệ Húc
Có những việc khi làm có thể có rất nhiều người không tán đồng, nhưng về sau lại có lợi ích cho rất nhiều người
Khổng Lão Phu Tử có hai học trò. Một người tên là Tử Cống và một người tên là Tử Lộ. Bởi vì Tử Cống là một thương nhân làm ăn buôn bán lớn, cho nên thường xuyên phải đi đến các nước khác để làm ăn. Nước Lỗ có một quy định pháp luật: “Hễ người nào đi đến các nước khác, thấy người dân nước Lỗ bị bắt làm nô lệ mà bỏ tiền ra chuộc về thì triều đình sẽ trả lại tiền chuộc”. Quy định này có tốt không? Rất tốt, vì nó khiến cho nhân dân trong nước yêu quý đồng bào của mình. Tử Cống cũng chuộc được người đưa về, nhưng khi quan phủ trả lại tiền chuộc, bởi ông có quá nhiều tiền nên ông nói: “Không cần đâu!” và không nhận tiền. Khi tin tức này loan truyền ra ngoài, mọi người nghe xong đều nói: “Ồ! Tử Cống thật là thanh cao! Quý vị xem, ngay cả tiền mà ông ấy cũng không nhận”.
Sự việc này đến tai Khổng Lão Phu Tử thì Khổng Lão Phu Tử nói với Tử Cống rằng: “Trò làm như vậy là không được!”. Tại sao cách nhìn của Khổng Tử lại khác với cách nhìn của những người dân khác? Khổng Tử liền phân tích cho Tử Cống nghe: “Nước Lỗ chúng ta hiện nay người nghèo chiếm đại đa số, còn người giàu chỉ chiếm một con số rất ít. Nếu như hôm nay trò chuộc người mà không lấy tiền chuộc thì khi những người nghèo khó đến các nước khác, nhìn thấy người nước mình bị làm nô lệ họ sẽ nghĩ: Tử Cống không lấy tiền chuộc, nếu mình chuộc người về mà lấy tiền thì hình như mình đã kém anh ấy một bậc, nhưng nếu mình không lấy tiền thì cuộc sống của mình sẽ rất khó khăn”. Cho nên khi cứu người họ sẽ phải đắn đo, lưỡng lự. Nếu như trong một trăm người, có một người chỉ vì lưỡng lự mà không chuộc người về vì người đó có thể còn có gia đình, có vợ và con nhỏ, thì chúng ta đã có lỗi rồi. Cho nên Khổng Tử nói với Tử Cống rằng: “Trò làm như vậy sẽ xảy ra tệ nạn. Tệ nạn này sẽ có ảnh hưởng không tốt về sau, có thể có người vì điều này mà không thể trở về Tổ quốc của mình”.
Ngoài ra, còn có một câu chuyện về Tử Lộ. Có một hôm, Tử Lộ đi trên đường nhìn thấy một người rơi xuống nước sắp bị chết đuối. Tử Lộ rất là nghĩa hiệp, lập tức nhảy xuống nước cứu người đó lên. Người này suýt chút nữa thì chết đuối cho nên rất là cảm kích Tử Lộ, vui vui mừng mừng dắt con bò đến tặng cho Tử Lộ rồi nói: “Xin tặng cho ông con bò này!”. Tử Lộ cũng rất hoan hỷ nhận bò rồi dắt đi. Những người thông thường khác cảm thấy Tử Cống không nhận tiền chuộc là tốt, còn Tử Lộ làm việc tốt mà lại nhận bò thì dường như là kém hơn Tử Cống một bậc. Nhưng Khổng Tử khi gặp Tử Lộ thì liền nói với Tử Lộ rằng: “Trò làm như vậy là đúng, sau này nhất định sẽ có rất nhiều người nhìn thấy người khác gặp nguy hiểm sẽ hăng hái cứu giúp, bởi vì họ sẽ lĩnh hội được rằng: Hành thiện sẽ có thiện báo”.
Thánh nhân suy xét vấn đề đều từ phương diện rộng lớn chứ không phải chỉ ở một điểm. Vì vậy, có những việc tưởng thiện mà không thiện, chúng ta phải nghĩ đến sự ảnh hưởng về sau của sự việc này. Ngay lúc đó thì sự việc tưởng là tốt, nhưng về sau lại có rất nhiều điều nguy hại thì không nên làm. Có những việc khi làm có thể có rất nhiều người không tán đồng, nhưng về sau lại có lợi ích cho rất nhiều người thì chúng ta phải nên làm. Đây là dựa trên mức độ ảnh hưởng của tệ nạn mà đánh giá cái “thiện”.
A Di Đà Phật 🙏
Trích Đệ Tử Quy giảng giải– Con Đường Đạt Đến Nhân Sinh Hạnh Phúc (tập 31)
Người giảng: Thầy Thái Lễ Húc
Giám định: Lão Hòa thượng Tịnh Không
Giảng ngày: 15/02/2005
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *