Đạo Phật

Thánh tăng đệ nhất tài lộc

Ngài thánh tăng tôn giả Sivali
Mỗi đời Phật Chánh Đẳng Chánh Giác thì có mấy chục đệ tử sở trường về các biệt hạnh khác nhau, đệ nhất này đệ nhất kia, Đức Phật của mình cũng vậy, Ngài cũng có các vị Đệ tử cao đồ, nhất cái này nhất cái kia, trong đó có Ngài Sivali là đệ nhất về tài lộc. Tài lộc là làm sao? Ngài Xá Lợi Phất là biểu tượng cho Tuệ học, Ngài Mục Kiền Liên là biểu tượng cho Định học, Ngài Ca Diếp là biểu tượng cho cái tinh thần Ly dục – tri túc, mỗi vị là một cái biểu tượng, riêng Ngài Sivali là biểu tượng cho cái tinh thần Xả tài.
Chuyện đời Ngài Sivali là cái tấm gương xả tài, chứ không phải là hình tượng thần tài, còn mình thì mình cứ thờ Ngài vậy đó, mình thờ cái vụ thần tài mà mình quên cái vụ xả tài, xả tài ở đây không phải là mình cúng 8 tỷ, 15 tỷ, không phải, mà xả tài là tâm hồn xả tài, coi cái tình người nó quan trọng hơn là tài sản, coi cái lòng mà hào sảng nó quan trọng hơn là cái chuyện tích lũy, nắm bắt. Cái đó mới quan trọng! Cho nên nói đến Ngài Sivali là mình phải nói là tôi thờ cái tinh thần xả tài, chớ không phải là tôi coi Ngài là ông thần tài, cái này quan trọng vô cùng, vô cùng và vô cùng!
Đời xửa đời xưa, Ngài vào gặp một Đức Phật quá khứ, Ngài thấy có một vị Tỷ Kheo được tuyên dương là Đệ nhất tài lộc, Ngài thích lắm, Ngài thích không phải như mình đâu, Ngài thích là Ngài thích cái tinh thần xả tài. Cũng giống như mình thờ Quán Âm là mình thờ cái tinh thần từ bi, chớ không phải mình thờ Quán Âm để mình có chuyện mình réo, nhiều người thờ lộn! thờ mà quên! Thờ Quán Âm là thờ cái tinh thần từ bi lắng tai nghe cuộc đời coi ai cần gì thì mình giúp, đó là mình thờ Quán Âm, thờ đúng là thờ vậy đó, chứ không phải thờ để mà có cái gì bà thò tay bà kéo, bà níu mình bà giúp. Tây có câu hay lắm, Tây không có thờ Quán Âm, mà Tây nói một câu còn hơn Quán Âm nữa, Tây nói thế này: Cầu nguyện lúc nguy cơ không phải để thoát nạn, mà để có thêm cái bình tĩnh lúc nguy cấp. Cái câu này phải xăm lên trán: cầu nguyện lúc nguy cơ hay nguy hiểm, không phải để thoát nạn, mà để có thêm cái bình tĩnh mà tất cả các chuyên gia cứu hộ trên thế giới, dầu cứu hộ đường bộ hay đường không, đường thủy đều có chung một cái nhận định như nhau rằng thì là: trong tất cả mọi tình huống nguy hiểm, khẩn cấp, cái khả năng mà thoát nạn của cái người bình tĩnh luôn cao hơn cái kẻ hoảng loạn, cao gấp mấy lần! trong mọi tình huống kể cả gọi là đường tơ kẻ tóc, chuông treo chỉ mành! Thì cái người bình tĩnh luôn có cơ hội thoát thân, thoát nạn, thoát chết nhiều hơn là cái người hoảng loạn. Cho nên người ta nói rằng cầu nguyện thông minh là phải cầu nguyện trong cái nhận thức là cầu để có cái bình tĩnh, rồi từ cái bình tĩnh đó đó, thì mình mới thoát nạn, và nếu có ra đi thì cũng ra đi bằng cái sự thanh thản và bình tĩnh! Chứ không phải ra đi mà cái mặt tái mét là không có được, mà lúc người ta liệm nhìn xấu lắm!
Thì Ngài Sivali Ngài thấy một vị Tỷ Kheo mà có cái hạnh xả tài ngài thích quá đi, Ngài mới nguyện đời sau sanh ra có dịp nào đó là một vị Tỷ Kheo cũng Đệ nhất xả tài. Việt Nam mình thờ lộn, thành ra là từ cái xả tài nó quẹo qua cái thần tài! Thấy không, người ta tu để người ta buông, còn mình tu để mình nắm! Đó, nó khổ vậy đó! người tu buông, người tu nắm! nó khổ vậy đó, người bắt, người buông!
Bữa hôm tôi có nói rồi, khi mình nguyện cái gì, thì kể từ ấy trở đi ta bèn có một kiểu sống, một kiểu suy tư, kiểu hành động, ta có một cái sinh phong, có một cái sinh phức mà nó tương ứng với cái hạnh nguyện đó, thì ta được gọi là Bồ Tát! Thí dụ như mình nguyện hạnh Trí tuệ là từ đó mình phải thiết tha học hỏi, thiết tha cầu đạo, thiết tha tham vấn; mình cầu thần thông là mình phải thiết tha đến Định học, không có sống phóng dật, thất niệm nữa, đó là mình nguyện và hành cái Bồ đề tín, Bồ đề hạnh, Bồ đề nguyện nó mới ăn khớp với nhau! Đằng này khoái giàu mà quên xả tài! Khổ vậy, ham trúng số mà làm toàn chuyện trúng gió không hà.
Cho nên khi mà Ngài bắt đầu nguyện cái ngôi vị mà đệ nhất xả tài- đệ nhất tài lộc, là đời đời sanh ra cứ thấy có dịp giúp người ta là giúp liền. Bữa hôm tôi có nói rồi, người có nhiều phước bố thí thì đời đời sanh ra giàu có, nhưng không phải luôn luôn, bởi vì sao? Vì đôi lúc trong cái đường sanh tử, mình cũng có lúc mình có cái tâm bủn xỉn, mỗi lần mà có một cái tâm bủn xỉn nó xuất hiện , trong vòng 3 giây, 6 giây thôi, thì cái tâm đó nó sẽ gieo cái mầm nghèo khó cho mình trong một kiếp nào đó. Thí dụ như bây giờ tôi 3 ngàn kiếp liên tục tôi rất là hào sảng, nhưng có một đôi lần tôi kẹo, tôi thấy cho uổng quá, hoặc là tôi cho rồi tôi tiếc, thì chính cái uổng, cái tiếc này thì 3 ngàn kiếp liên tục tôi là người cực kỳ hào sảng cho nên tôi đẻ ra tôi luôn luôn là đẻ ra trong hủ nếp, đẻ ra trên đống bạc không hà, nhưng mà có vài lần tôi có cái lòng mà toan tính, cho nên tôi cũng bèn có vài cái kiếp mà sanh ra nó nghèo le lưỡi luôn!
Thì Ngài Sivali cũng vậy, kể từ lúc mà phát nguyện trở thành một Tỷ Kheo Đệ nhất tài lộc là mình phải có cái hạnh xả tài, mà hễ có hạnh xả tài thì coi như là hưởng không hết, nhưng mà cũng có lúc nghèo chớ, làm thú được mà, đi địa ngục được mà, xá gì là làm con nhà nghèo! Thì nhằm cái kiếp đó là Phật Tỳ Bà Thi ra đời, Ngài nghèo quá đi, Ngài đi làm công cho người ta mà thấy thiên hạ cúng dường trai Tăng , Ngài thì muốn quá mà có gì đâu, có cái xà loỏng mà không được lành nữa chứ, xà loỏng mà rách tùm lum như cái rổ vậy đó, Ngài lấy cái gì mà cúng? Thì Ngài mới đi làm thuê làm mướn, Ngài chỉ được trả công có một hủ mật ong thôi, tại vì cái chuyện của Ngài làm không có đáng gì, cho nên là tận sức rồi đó, thì người ta thưởng cái công, người ta nói: Bây giờ cái số tiền mà ông được trả thì một là lấy tiền hai là lấy hủ mật ong. Ông nói thôi lấy hủ mật ong. Ông mới đem về cúng dường cho Đức Phật và chư Tăng trong cái lễ trai Tăng, ông hùn có cái hủ mật ong, mà ông nguyện:
– Mai mốt con đừng có nghèo nữa, con nhức đầu quá, con nghèo cái khó nó bó cái khôn, con không có tính gì được hết trơn, con bây giờ gia tài con có cái hủ mật ong này là coi như con dốc túi con cúng, (vì cái câu này, cái câu này quan trọng: vì con dốc túi mà con cúng) cho nên đời sau đừng bao giờ con bị cái cảnh dốc túi nữa!
Nhớ cái câu này: vì hôm nay con dốc túi mà con bố thí xả tài, nên đời đời con đừng có bao giờ gặp cái cảnh phải tiếp tục dốc túi nữa. Làm phước khôn như vậy đó.
Chưa hết đâu, luân hồi nhiều kiếp, đến đời Phật Ca Diếp, Ngài làm một Tỷ Kheo chuyên tu tinh tấn, đạo hạnh kim ngưu, bữa đó Ngài đi trai Tăng ở nhà phật tử, người ta cúng dường bữa ăn thật là ngon lành, xong rồi trên đường về Ngài gặp một con chó cái ốm gầy trơ xương, cả bầy chó con bu lại nó rút vào bầu vú của con chó mẹ mà nó bú, mà hỏi bú gì nổi, con chó mẹ nó ốm như là cái bộ xương cách trí mà sữa đâu mà sữa!
Tôi nhớ hồi nhỏ ở chùa, Sư cả – Sư phụ của tôi lâu lâu ông về, mấy ông Sư bu lại: Bữa nay Sư về Sư có sữa không Sư? Tại tụi tôi dắt chiều đói dữ lắm, cứ trông Sư cả đi Sài gòn về thế nào cũng có sữa hà, sữa ông thọ đó, nhưng mà tụi tôi hỏi tắt, tụi tôi hỏi: Bữa nay Sư đi Sài gòn về có sữa không Sư? Thì bữa đó Sư mệt quá, Sư nói: Trời đất ơi, tôi ốm vầy mà sữa đâu! khổ quá! Tôi nhớ tới bây giờ đó: ốm vầy mà sữa ở đâu! Nói vậy thôi, chứ lần nào về mà không có, cái móc túi đưa tiền cho người chạy ra mua mấy lon về pha cho mấy ông thầy chùa con uống, đại khái như vậy.
Thì Ngài thấy con chó mẹ Ngài thương quá thương, rồi Ngài mới nghĩ trong bụng Ngài nói: thôi bây giờ mình có gì đâu trời, Ngài mới móc cổ ra Ngài mửa, phần gia tài một ông thầy chùa một ngày có một bữa ăn đó thôi, mà bữa ăn ngon nữa chứ, lâu lâu ăn một bữa bồi dưỡng bổ sung vitamin này nọ, chất sắc, chất đồng nhôm thau kẽm thiết, thì bây giờ thấy vậy không có cầm lòng được, không nhẫn tâm thấy nó đói vậy đó, móc họng mửa ra hết cho con chó mẹ nó ăn, nó ăn để nó có sức để nó nuôi bầy con, mà quý vị biết không, ở trong room này có biết bao nhiêu người giàu có nghe cái này gớm chết, phải không, nghe cái này quý vị thấy khinh Ngài, nhưng tôi thì không, cái bố thí đó mới là xả tài đó, coi như là bán mạng mà bố thí đó, bố thí mà không cầu danh, không cầu lợi, bố thí mà không cần trời đất biết tới, không cần thiên hạ hay biết, cái đó mới ghê đó! Có nghĩa là tận tuyệt, dốc lòng, hết tình, cạn tàu ráo máng, móc họng ra mửa, khi mà con người mà nó sống mà nó hết cái tình như vậy, đời đời sanh ra là Ngài coi như Ngài chỉ ho một cái thôi, là ăn ngập mặt.
Nguồn trích từ bài giảng của Sư Giác Nguyên
Cúi đầu xin mười phương Phật Pháp Tăng chứng minh cho phần phước này có được xin nguyện sẽ là nhân duyên cho con và tất cả chúng sanh đời đời được sống trong hiểu biết và thương yêu
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *