Đạo Phật

Sống chậm, sống chánh niệm – Sư Toại Khanh

Sống chậm sống chánh niệm - làm Tượng Phật
Sống chậm. Chậm ở đây không phải là giảm tốc độ, tôi nhắc lại chậm ở đây có nghĩa là đừng có sống xô bồ nữa, làm cái gì biết cái nấy, mình sống trọn vẹn 12 giờ trong ngày vì mình luôn biết rõ mình làm cái gì, nghe đơn giản vô cùng. Nếu quí vị tin tôi không mất một xu nào hết, dành một ngày một đêm sống chậm, cầm lên biết cầm lên, để xuống biết là để xuống, muốn cầm biết là muốn cầm, đau biết là mình đang đau, vui biết là mình đang vui, bước đi biết là mình đang bước đi.
Có người hỏi tôi chánh niệm là sao? Tôi nói các vị giả định, thí dụ như các vị vừa làm bể cái ly trên nền gạch mà chưa có quét, thì lúc đó có chuyện phải đi ngang cái chỗ ly vỡ, các vị đi kiểu gì thì cái tâm trạng đó được gọi là chánh niệm, thò tay xuống dưới cống lượm xâu chìa khoá, mà biết rất là nhiều miểng chay hay kẽm gai thì sự cẩn thận đó được gọi là chánh niệm. Hồi nào tới giờ mình sống xô bồ, sống thiếu cảnh giác, bây giờ mình biết đạo rồi mình sống chậm lại, và có một chuyện mà tôi tin đó là khi quí vị sống chánh niệm, sống chậm lại một chút, các vị sẽ nhận ra, thì ra cái tâm thức của mình, sinh hoạt của mình nó là một bộ phim rất là hay, nó có nhiều cái để mình coi lắm.
Tôi nhớ hoài kinh nghiệm của nhà điêu khắc, có người hỏi ông về bí quyết điêu khắc, ông nói : “Đem về một khúc gỗ bỏ đi cái thừa, phần còn lại là tác phẩm.”
Nếu có người hỏi tôi thành Phật là sao? Là bỏ đi cái thừa, phần còn lại là Phật. Còn chúng ta thì cái thừa nhiều quá. Tham là một cái thừa, sân là một cái thừa, si là một cái thừa. Tứ Niệm Xứ là một pháp môn, là một pháp sống, nó giúp cho mình bỏ bớt cái thừa.
Thật ra mà nói, trong đời sống này nếu các vị bình tâm một chút, khách quan một chút, sáng suốt một chút, các vị sẽ thấy cái mình thích luôn chiếm rất nhiều thời gian tâm tư so với cái mình cần, mà pháp môn Tứ Niệm Xứ có lợi cho mình về cái cần. Tôi nói hoài đó là ngày ta chưa biết đạo ta chạy theo cái thích, biết đạo ba mớ giảm thích chỉ giữ cái cần, biết thêm tí nữa bỏ hẳn cái thích chỉ giữ cái cần, biết thêm tí nữa chỉ giữ lại cái tối cần. Cuối cùng đến cái tối cần dù vẫn sử dụng nhưng tâm đã buông.
Tôi muốn nói rằng đời sống này, nó là một hành trình, mà không có hành trình nào nó thê thảm cho bằng trước khi đi mà không có chuẩn bị hành lý. Đừng nghĩ đến già rồi mới chết, mình có thể ra đi bất cứ lúc nào. Có ba lý do để chúng ta phải sống Chánh Niệm liên tục :
– Không biết mình chết lúc nào
– Không biết mình sẽ đắc đạo lúc nào
– Không biết mình sẽ tạo nghiệp ác nào trong thời gian sắp tới.
Nếu có người hỏi tôi kiểu sống nào đẹp nhất, tôi sẽ nói rằng : Kiếu sống đẹp nhất là kiểu sống của một người có thể ra đi bất cứ lúc nào không sợ hãi, không tiếc nuối.
Sư Toại Khanh
(Chép lại bài giảng của Sư)
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *