Đạo Phật

Nguyện lực độ sanh của Bồ Tát Địa Tạng

Địa Tạng Vương Bồ Tát
Đại nguyện của Bồ tát Địa Tạng là “Địa ngục chưa trống, thệ chẳng thành Phật; chúng sanh độ hết, mới chứng Bồ đề”. Nên ân đức của Ngài thật lớn lao vô cùng. Bởi vì chúng sanh cang cường khó giáo hoá, lấy khổ làm vui, vào ra trong lục đạo, xuống lên ba cõi mà không hề thức tỉnh, nên “rất khó để nói Bồ tát Địa Tạng trong bao lâu nữa sẽ thành Phật”, nhưng chắc chắn Ngài sẽ là vị Phật sau cùng. Do bi nguyện không bờ mé.
Hạnh nguyện của Bồ Tát Địa Tạng không phải là lời nguyện suông, mà đó là một tuyên bố chắc thật về lộ trình giải thoát mà bất cứ hành giả đại thừa nào muốn đến bảo sở đều phải kinh qua. Đó là phải thực chứng trí tuệ bát nhã, tức “ Tánh không” của vạn pháp. Nên “ Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật” là vậy. Vì nếu anh còn thấy địa ngục có thật, là kẹt trong hữu vi rồi.
Tâm Kinh nói:” Chiếu kiến ngũ uẩn giai không, độ nhất thiết khổ ách”. Đó là cách phá tan địa ngục của Bồ Tát Địa Tạng. Nên Kinh Lăng Nghiêm nói: “ Đối với người triệt ngộ, thì núi sông đều biến mất”. Do đó, không chỉ có địa ngục mà cả tam thiên đại thiên thế giới đều trống rỗng.
Theo kinh Pháp Hoa, khi Đức Phật Thích Ca muốn tập hợp các hoá thân của mình lại một chỗ, thì dời tất cả chúng sanh trong lục đạo đi nơi khác. Sau đó, cả hội chúng bay lên giữa hư không, bèn thấy được Phật Đa Bảo. Sự thành Phật trong kinh Địa Tạng, vốn dĩ không khác.
Kinh Kim Cang nói: “Phật dạy Tu Bồ Đề: Chư đại Bồ tát nên như thế mà hàng phục vọng tâm: Đối với tất cả các loài chúng sanh: hoặc sanh từ trứng, hoặc sanh từ thai, hoặc sanh từ sự ẩm thấp, hoặc sanh từ biến hoá; hoặc có sắc, hoặc không sắc, hoặc có tưởng, hoặc không tưởng, hoặc chẳng phải có tưởng chẳng phải không tưởng, ta đều khiến nhập vào vô dư Niết bàn mà diệt độ hết. Như thế diệt độ vô lượng vô lượng vô số vô biên chúng sanh, thật không có chúng sanh được diệt độ.
Vì sao vậy? Tu Bồ Đề, nếu Bồ Tát còn tướng ngã, tướng nhân, tướng chúng sanh, tướng thọ giả, tức chẳng phải Bồ Tát”.
Theo tinh thần Kinh Kim Cang, những chúng sanh Bồ Tát Địa Tạng độ thoát, đó chính là vọng tưởng. Chỉ cần rõ được bản chất hư vọng của tâm thức, thì thành tựu Phật trí. Nên Đại nguyện của Bồ Tát Địa Tạng, đã nói lên một lộ trình giác ngộ bất di, bất dịch “Nếu chẳng chứng được tự tánh bát nhã thì chẳng thể nào thành Phật và độ tận chúng sanh”.
Chỉ cần thấy tất cả chúng sanh là chẳng thật như kinh Kim Cang nói, thì đã độ hết chúng sanh vào vô dư Niết Bàn. Nên Bồ Tát Địa Tạng vốn dĩ đã thành Phật. Những chúng sanh Ngài giáo hoá vốn dĩ đã thành Phật. Vì “ Nhất thiết chúng sanh giai hữu Phật tánh”. Đó là mối tương quan sâu sắc giữa kinh Địa Tạng, Kinh Pháp Hoa & Kinh Kinh Kim Cang qua nguyện lực độ sanh của Bồ Tát Địa Tạng.
Nam Mô Đại Nguyện Địa Tạng Vương Bồ Tát 🙏
Thích Như Dũng
Nguồn: Hoa Vô Ưu
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *