Đạo Phật

Khẩu nghiệp – Đệ Tử Thiền Tôn Phật Quang

Khẩu nghiệp
Đạo Phật, trong giới về miệng (khẩu), cấm bốn điều ác về lời nói: nói ác, nói dối, nói chia rẽ, nói lời vô nghĩa.
Thứ nhất là không ác ngữ, nghĩa là không nói lời ác độc, không chửi mắng người thậm tệ. Những lời chửi mắng người khác là thú vật, là ma quỷ, là gái điếm, là kẻ cướp, v.v…đều là ác ngữ. Những lời hăm dọa, đánh giết thô bạo…cũng đều là ác ngữ. Đạo Phật cấm những lời nói ác, cấm tuyệt đối. Người Phật tử phải cẩn thận đừng nói lời ác mà phạm giới.
Thứ hai là không nói dối. Chúng ta đừng nói dối để lừa gạt người khác, lấy lợi về phần mình; đừng nói dối để khoe khoang. Chúng ta nhớ sống một cuộc đời thanh bạch để không có gì phải che đậy, chỉ trừ trường hợp buộc không được nói thật để cứu người.
Thứ ba là không nói lời chia rẽ. Ở bên người này nói xấu người kia làm cho họ ghét lẫn nhau, chia rẽ nhau là không nên. Người chia rẽ nói xấu sau lưng như thế, sau này mắc quả báo cô độc cực kỳ, chẳng ai thương mến đoái hoài đến.
Một điều nữa là nói lời khoe khoang. Chúng ta phải kín đáo, không được khoe khoang để giữ cái phước của mình. Ví dụ như khi tu có kết quả gì đó, ta cũng phải kín đáo, không khoe khoang bộc lộ. Có những chuyện nghe thì hay mà lại dở. Ví dụ như huynh đệ trao đổi kinh nghiệm tu tập với nhau, nói: “Anh ngồi thiền ra sao, anh nói cho tôi nghe?” hoặc “Chị niệm Phật thấy sao?”. “Tôi niệm Phật thấy tâm thanh tịnh”, “Có lúc hào quang sáng lên rồi tắt”, “Tôi thấy lòng thanh thản, bớt sân”…Như vậy gọi là trao đổi nhưng không ngờ rơi vào lỗi khoe khoang, đường tu rất khó khăn. Chỉ nên im lặng. Trường hợp nào quá nghi ngờ, không biết mình sai hay đúng thì phải tìm thầy để hỏi, để nương tựa thì đỡ bị tổn phước. Tu có gì lạ mà đem ra kể là mất hết.
Thứ tư là không nói lời vô nghĩa. Chúng ta thường nghe người ta, nhất là đàn ông thường nói tục, chửi thề. Họ nói oang oang trong xóm dù không giận hờn ai; hoặc nói trong bàn nhậu một cách vui vẻ. Nói như thế, trước hết họ đã làm bẩn nhân cách, làm bẩn tâm hồn mình. Người hay nói tục, thiện pháp khó xuất hiện được trong tâm. Đây là điều chúng ta phải đấu tranh từ trường học đến gia đình, để những đứa trẻ lớn lên không bị nhiễm thói quen nói tục làm mất văn hóa mà thiện pháp trong tâm trẻ cũng không vươn lên được.
Một điều nữa là chúng ta đừng nói lời chê bai. Vì lời nói chê bai gây oán thù, gây chia rẽ làm cho mình bị quả báo. Sau lưng người khác, chúng ta cẩn thận không chê bai. Khen được cứ khen, vì lời khen đem được nhiều lợi ích. Ví dụ, có một ông cụ hồi nào giờ ai cũng mến ông. Bữa nọ trong một nhóm Phật tử, có người nói ông ở gần nhà tôi, ông tạt nước qua nhà tôi hoài. Có thể điều đó có, nhưng không nên nói vì điều đó làm người khác có ác cảm với ông cụ.
Chúng ta nên tập hạn chế nói điều chê bai, nói gây oán thù, gây chia rẽ. Nếu không tránh những điều này, chúng ta mắc quả báo y như vậy. Chê bai ngươi ta điều gì thì đời sau phạm y như thế, không gỡ ra được mà phải trả cho hết cái xấu đó.
Có nhiều người nhìn vào nhân duyên thấy tốt, tự nhiên họ làm sai, làm bậy. Không phải do họ xấu mà do đời trước làm sai nên đời này phải gánh chịu. Đây là bài học để chúng ta thương yêu người lầm lỗi. Mọi việc trên đời đều là bài học cho chúng ta, dù là thuận cảnh hay nghịch cảnh. Nếu chúng ta không biết học thì tất cả là cạm bẫy. Thuận cảnh như giàu sang, vinh quang là cạm bẫy đưa chúng ta vào sa đọa. Nghịch cảnh như đau khổ đưa chúng ta vào tuyệt vọng, oán thù. Nếu biết học đạo lý thì giàu sang sẽ tạo điều kiện cho chúng ta biết buông xả, bố thí, còn đau khổ tạo điều kiện cho chúng ta biết nhẫn nhục. Biết đạo lí thì tất cả đều tốt.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *