Đạo Phật

Chữ hiếu thời xưa và nay

Chữ hiếu thời xưa và nay
Lòng hiếu thảo, một truyền thống lâu đời trong xã hội Việt Nam và nhiều Quốc gia khác trên thế giới. Lòng hiếu thảo là một cấu trúc gia đình, là một mức độ quan trọng trong nền văn hóa. Trong lĩnh vực tâm lý học, hiếu thảo thường được định nghĩa theo truyền thống gia đình đặc trưng theo nền văn hóa của quốc gia đó. Nó có xu hướng nhấn mạnh việc xác định các quy tắc hoặc chuẩn mực hành vi, điều này hạn chế tiềm năng ứng dụng nó trong các bối cảnh văn hóa khác. Lòng hiếu thảo không chỉ quy định các chuẩn mực trong gia đình, nó còn cung cấp nền tảng xã hội và đạo đức để duy trì trật tự xã hội.

Mặc dù, hiện nay trong xã hội hiện đại hóa, thay đổi rất nhiều phương diện từ tinh thần lẫn vật chất. Tuy nhiên, lòng hiếu thảo vẫn luôn duy trì và được quan tâm cao đối với mọi gia đình, quan trọng nhất là bậc làm cha mẹ hay những người lớn tuổi, họ luôn chăm sóc và quan tâm, dạy bảo con cái về tình hiếu thảo và lòng kính trọng những người lớn tuổi.

Tuy nhiên, thời đại hôm nay lòng hiếu thảo có sự khác biệt giữa truyền thống cũ với tầng lớp trẻ được lớn lên trong các đô thị lớn, trong các nước văn minh hiện đại hoá của thế kỷ 21 st. Thời gian biến đổi này nhiều quốc gia đang định hình lại khái niệm về lòng hiếu thảo của nền văn hóa truyền thống. Ở Việt Nam hay ở Hoa kỳ đời sống của tuổi trẻ hôm nay có nhiều thay đổi. Trong thời đại của Khổng Tử, lòng hiếu thảo nhấn mạnh đến nguyên tắc đạo đức ủng hộ sự thân mật, bảo đảm sự đối xử tốt nhất của người thân. Khổng Tử mô tả sự tương tác giữa cha mẹ và con cái được thúc đẩy bởi tình cảm tự nhiên và nguyên tắc có đi có lại, đòi hỏi tất cả các hành vi hữu ích phải được trả lại.

Trong quá khứ Việt Nam chúng ta có một nền giáo dục vững chắc về đạo đức và phong tục rất mạnh mẽ, được đánh giá cao. Cho nên, thời đó ít thấy tuổi trẻ khi lớn lên đi lạc phương hướng và chuẩn mực trong nền văn hóa truyền thống. Lòng hiếu thảo được xem là đức tính tốt nhất của người Việt cũng như các nước Đông nam Á. Chúng tôi còn nhớ, ngày xưa đi học, khi bước vào lớp, hai dòng chữ đập vào mắt các học sinh là “Tiên học lễ hậu học văn” được treo trên tường phía sau bàn thầy giáo. Một dòng chữ ngắn ngủi, nhưng đủ để đánh thức tuổi trẻ ý thức được thế nào là lễ nghĩa, sự kính trọng, vâng lời và lòng biết ơn.

Người Phương Tây trong thế giới ngày nay, họ cũng lưu tâm rất nhiều về vấn đề giáo dục con cái, mặc dù lối giáo dục có chút khác biệt với Đông phương vì nền văn hóa khác nhau. Tuy nhiên, trong sự khác biệt đó, cũng có nhiều điều để chúng ta học hỏi và thay đổi cách dạy con để thích ứng với hoàn cảnh, phong tục, tập quán của xứ người. Tóm lại, dù là đất nước nào thì lòng hiếu thảo vẫn có tầm quan trọng và giá trị cần thiết của nó.

Để nhận rõ hơn về giá trị của đức tính này, theo thời gian tiến bộ của nền công nghệ và khoa học tân tiến hôm nay. Chúng ta xét qua những nguyên nhân và hoàn cảnh nào đã ảnh hương đến lòng hiếu thảo, sự đúng sai và quan niệm khác biệt của mỗi thời đại ra sao về chữ hiếu.

Trước khi chúng tôi đi sâu vào vấn đề này. Sau đây là một vài ví dụ về chữ hiếu thời xa xưa của Trung Quốc và Việt nam. Một câu chuyện về Guo Ju bên Trung Quốc “Vì Mẹ chôn con” đã được nhiều người đọc, tôi xin lượt kể vắn tắt như sau:

Quách Cự đời Hán, gia cảnh nghèo nàn. Vợ chồng có đứa con ba tuổi, mỗi bữa ăn mẹ của ông thường san sẻ thức ăn cho cháu. Vì lo lắng, sợ mẹ không đủ thức ăn, bị đói nên Quách Cự bàn với vợ là nên đem chôn sống đứa con để khỏi chia bớt phần ăn của mẹ. Họ liền đào một cái hố sâu hơn ba thước để chôn sống đứa con, sau đó bỗng dưng họ trông thấy một hũ vàng. Người ta cho rằng, hũ vàng này là do trời ban cho người hiếu thảo.v.v. Câu chuyện đái khái là như vậy. Đó là chuyện hiếu thảo ngày xưa, nhưng với hôm nay việc làm đó chính là tôi giết người, là vô nhân đạo.

Hay chuyện Thoại Khanh- Châu Tuấn, lóc thịt nuôi mẹ chồng; chuyện Mạnh Tông thương mẹ đau ốm, ôm gốc tre khóc đến khi măng mọc mang về nấu canh chữa bệnh cho mẹ, chuyện Du Kiềm Lâu nếm phân chữa bệnh cho cha. Hay câu chuyện “Tự thân nếm thuốc nuôi mẹ” thời Tiền Hán. Hay chuyện báo hiếu Vương Tường đời Tấn, đặt ván lên trên tuyết để chờ cá lý ngư từ dưới tuyết nhảy lên bắt đem về cho kế mẫu ăn. Chuyện về hiếu thảo Trung quốc có rất nhiều, nhưng có một số lòng hiếu thảo không thể áp dụng cho thời đại hôm nay, nó là những hành động phản đạo đức, ích kỷ, phản thực tế và văn minh nhân loại. Hay câu chuyện thần thoại Hy Lạp về lòng hiếu thảo “Cleobis và Biton” là hai anh em hiếu thảo thay bò để kéo xe cho mẹ.v.v.

Tại Việt Nam cũng có một số câu chuyện nổi tiếng về tấm gương hiếu hạnh được lưu truyền cho tới hôm nay. Câu chuyện về Chử Đồng Tử nhường khố cho cha được cưới công chúa vua Hùng; Hay trong Việt Nam sử lược có chép chuyện hiếu thảo của vua Tự Đức, suốt 36 năm nuôi mẹ.  Hay chuyện vua Lê Thánh Tông ngày đêm chăm sóc Hoàng Thái Hậu, không lúc nào rời bên cạnh bà, Ông dâng thuốc thang và thức ăn uống cho mẹ giống như câu chuyện vua Hán Văn Đế bên tàu.v.v. Đồng thời trong ca dao, tục ngữ cũng ca tụng đức hiếu thảo rất nhiều như: “Chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô dành cho con; Miếng nạc con ăn, miếng xương mẹ gặm, Công cha nặng lắm ai ơi. Nghĩa mẹ bằng trời mang nặng đẻ đau! Hay Dạy con, con nhớ lấy lời. Trọng cha, kính mẹ, suốt đời chớ quên. Chữ Trung, chữ Hiếu, chữ Hòa. Hỏi trong ba chữ, thờ cha chữ nào? Chữ Trung, thì để thờ cha. Chữ Hiếu thờ mẹ, chữ Hòa thờ anh.v.v.

Như vậy nghĩa vụ hiếu thảo là gì?

Câu hỏi được đặt ra là nghĩa vụ của hiếu thảo như thế nào, khi cha mẹ già yếu, sự chăm sóc ra sao mới hợp lý? Cũng như những người con khi trưởng thành phải quyết định phương cách nào để chăm sóc cha mẹ và mức độ nào để tài trợ cho việc chăm sóc đó. Những người con có phải hy sinh hạnh phúc riêng tư, sự bình an của gia đình, sự an toàn tài chánh đến mức độ nào đối với họ? Lòng hiếu thảo có ngăn cản sự độc lập của cá nhân, ngăn chặn sự sáng tạo và loại bỏ những ham muốn và lợi ích cá nhân không? Cho nên, câu hỏi này phải có câu trả lời dứt khoát, rõ ràng trong ý niệm của mình với những hoàn cảnh và sự thay đổi trong cấu trúc của gia đình hiện nay, hầu đối mặt ra sao trong mọi tình huống xảy ra.

Nhiều người cho rằng hiếu thảo có thể suy yếu dần với sự phát triển công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Nhất là Phong trào chuyển đổi xã hội chủ nghĩa và Cách mạng văn hóa của nhiều nước cộng sản khiến người ta nghi ngờ không còn sự tồn tại của lòng hiếu thảo và sự tôn trọng. Đồng thời vai trò xã hội đã trở nên khó xác định, vì có các nghĩa vụ xã hội được gắn liền trong cuộc sống.

Con người ngày hôm nay tuổi thọ dài hơn so với trước đây, cho nên việc chăm sóc cha mẹ già gần đây đã trở thành khó khăn cho con cái. Có một số Quốc gia đã đặt ra luật lệ cam kết lâu dài về trách nhiệm và bổn phận cho con cái. Ví dụ xã hội Trung quốc hiện nay có một đạo luật đã được thông qua, nhằm buộc con cái khi trưởng thành phải đến thăm cha mẹ già của chúng và cung cấp tiền bạc hàng tháng. Luật này được gọi là luật bảo vệ quyền và lợi ích của người cao tuổi. Người con phải cam kết chăm sóc cha mẹ lúc già yếu bằng công sức hoặc tài chánh. Hình thức này cũng giống như ở Hoa kỳ, nhưng khác biệt là do chính phủ trợ giúp thông qua các cơ quan phúc lợi an ninh xã hội (welfare) thực phẩm và nơi ở.

Như ở Hoa kỳ hiện nay có nhiều người con mang cha mẹ vào nhà dưỡng lão để chăm sóc, người đời cho là những đứa con bất hiếu. Theo chúng tôi nghĩ, trường hợp này cha mẹ nên suy nghĩ lại, hãy nhìn vào hoàn cảnh của con mình, hãy đặt mình vào vị thế của chúng, trước khi có lời trách móc. Cuộc sống ở Việt Nam trước kia khác với thời đại và hoàn cảnh sống hôm nay ở đất nước Hoa kỳ. Cho nên, vấn đề báo hiếu có nhiều trở ngại ngoài ý muốn. Ngoài trừ những đứa con giàu có dư khả năng phụng dưỡng từ vật chất lẫn tinh thần.

Một vấn đề khác nữa, là khi sống chung với con cái, thỉnh thoảng con dâu/rễ có lời khó nghe với mình, thì cha mẹ nên bình tĩnh suy nghĩ lại lý do nào khiến chúng có thái độ như thế. Phải dùng sự thông cảm và tình yêu thương của bậc làm cha mẹ để suy xét sự việc. Biết đâu vì công việc, sự thiếu thốn về vật chất hoặc trách nhiệm dạy dỗ con cái làm họ quá mệt mỏi, cho nên phát sinh ra những câu thiếu suy nghĩ nhất thời.

Như vậy sự hiếu thảo có phải là món nợ không?

Khi cha mẹ nuôi nấng con cái, họ cho ăn, cho mặc, lo ăn học.v.v. Những thứ đó có phải là một món nợ? Và con cái phải có nghĩa vụ đáp ứng mọi nhu cầu để trả lại món nợ đó không? Thật ra, sự đòi hỏi yêu cầu của cha mẹ chì là hành vi về mặt đạo đức, tự nhiên và tự nguyện. Sự đòi hỏi này ảnh hưởng từ văn hóa lâu đời của chúng ta mà thôi. Món nợ này là nợ tiếng cảm ơn, nợ nghĩa vụ, lòng tôn kính, nợ ân tình, đạo đức và ân nghĩa vô bờ bến. Nợ này là nợ máu và mắt là sự hy sinh cả tuổi xuân và hạnh phúc của cha mẹ. Ngược lại, những người con cũng đừng nghĩ là cha mẹ nuôi con là sự tự nhiên, là bổn phận bắt buộc vì đã tạo ra mình. Món nợ này mình không cần phải quan tâm hay phải trả món nợ đó. Nếu cha mẹ và người con không chia sẻ mối quan hệ tự nguyện, hy sinh và tình yêu thương thì nó sẽ trở thành là một món nợ của nhau, chứ không còn lòng hiếu thảo và tình yêu thương nữa. Sự hiếu thảo cũng là nghĩa vụ của lòng biết ơn. Lòng biết ơn phải đòi hỏi có sự hy sinh cao hơn. Việc thể hiện lòng biết ơn không cần tỷ lệ thuận với lợi ích để ban tặng.

Tóm lại, mối quan hệ cha mẹ, con cái và nghĩa vụ hiếu thảo là duy nhất. Lòng hiếu thảo được coi là một đức tính quan trọng trong văn hóa Việt và các nước Đông Á khác. Theo căn bản truyền thống, lòng hiếu thảo bao gồm sự chăm sóc thể chất, hy sinh, tình yêu, dịch vụ, tôn trọng và vâng lời.  Vì vậy những người con nên cố gắng không làm cha mẹ thất vọng về mình.

Thực trạng hiếu thảo ngày nay như thế nào.

Chúng ta đang sống trong thời đại văn minh, khoa học và sự phát triển của ngành công nghệ thông tin, nó làm cho đời sống con người tốt hơn, cao hơn. Nhưng nó lại xói mòn giá trị đạo đức, sự tôn trọng, lòng biết ơn và nhất là sự hiếu thảo đã bị lu mờ. Đặc biệt là giới trẻ, có lối sống nhanh và cách nhìn về cấu trúc một gia đình truyền thống như là một dây xích kiềm chế họ. Tâm thức và lối sống của họ đã thay đổi. Họ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ biết mình, còn những người liên hệ trong gia đình không còn quan trọng nữa. Họ bất hiếu với cha mẹ, sự liên hệ với gia đình không còn nữa, bản tính trở nên độc ác hơn, luân thường đạo lý không còn là con đường để họ bước đi. Đạo đức đối với họ là từ ngữ rỗng tuếch. Trên internet người ta tìm thấy đã có hơn hơn 3 triệu kết quả về bản tính nghịch tử, bạo hành của lớp trẻ. Chúng ta nên tìm đọc những tờ nhật báo Việt Nam, có nhiều bản tin nói đến nghịch tử giết cha mẹ, anh em, bạn bè, thầy cô…. Thật ra tôi ác trong gia đình không chỉ ở VN mà còn nhiều nơi trên thế giới xảy ra mỗi ngày. Tuy nhiên, không phải hoàn toàn là những đứa trẻ hôm nay xấu như thế, bên cạnh đó còn có nhiều gương hiếu tử được ca tụng.

Niềm hy vọng và kỳ vọng về hành vi hiếu thảo của tuổi trẻ đương đại đang lớn lên ở Việt Nam và Hoa Kỳ hiện nay đã làm cho nhiều phụ huynh thất vọng. Bậc cha mẹ hiện nay đang cố gắng làm thế nào tốt nhất để khuyến khích, gìn giữ những giá trị này được tồn tại trong mỗi gia đình. Hiếu thảo là một giá trị cốt lõi, là khái niệm về lòng hiếu thảo đặt nền tảng cho niềm tin và hành vi văn hóa trong nhiều xã hội châu Á. Chữ hiếu của con cháu đối với cha mẹ, ông bà chính là thước đo phẩm chất đạo đức và giá trị của con người. Giá trị này chính là nền tảng cho gia đình và là ánh đèn soi sáng cho những giá trị khác, giúp con người trở nên tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Nguyên nhân dẫn đến bất hiếu

1-Bản thân. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng bất hiếu và tha hoá đạo đức của giới trẻ.

– Có những đứa con trong cuộc sống thiếu tình yêu thương của cha mẹ, thiếu sự chỉ dạy của phụ huynh, sự giáo dục trong nhà trường lỏng lẻo, không chú trọng đến nền tảng đạo đức là sự cốt lõi cho tuổi trẻ.

– Tuổi trẻ bất mãn cuộc sống, xã hội, đua đòi theo trào lưu mới, tính tình thay đổi bất thường, thù hận, oán trách, cô đơn, lạnh cảm, tức giận, tham lam, dối trá, bất mãn, sự tự ti mặc cảm, đau buồn.v.v. Tất cả đã tạo nên một tuổi trẻ mất phương hướng và nền tản gia đình cũng như đạo đức nhân bản của một con người đã bị đánh mất.

– Hay cũng từ lòng ích kỷ, đời sống thực dụng, hưởng thụ hay sự nhàm chán, đơn điệu và vô nghĩa. Cùng với cách nhìn thiển cận đã đẩy tuổi trẻ bất cần tất cả mà họ không có một cái thắn để có thể dừng họ lại hay thay đổi ý nghĩ sai lạc đó.

2-Ảnh hưởng gia đình.

– Gia đình chính là nền tản của xã hội, nếu gia đình không tốt đẹp thì xã hội làm sao hoàn hảo được. Nếu cha mẹ không phải là tấm gương sáng cho con cái noi theo, thì làm sao có được những đứa con hiếu thảo biết tôn trọng, biết ơn, biết kính trên nhường dưới và liêm sĩ được. Ngày nay, nhiều gia đình, cha mẹ ít dạy con về sự tôn kính, hiếu thảo vì quá bận rộn trong kế sinh nhai.

3-Nền giáo dục.

Nhà trường là nơi đào tạo những con người tài đức, nhiều phẩm hạnh. Nhưng với nền giáo dục hiện nay tại Việt nam và một số Quốc gia trên thế giới không còn là “Tiên học lễ hậu học văn” nữa. Cho nên, tuổi trẻ VN ảnh hưởng rất nhiều trong xã hội khi rời khỏi nhà trường. Ngay cả ở Hoa kỳ tuy là tự do và sự tôn trọng quyền con người hơn, nhưng sự giáo dục của họ cũng gây nhiều tranh cãi trong nhiều năm qua. Tuy nhiên họ không quên khuyến khích và quan tâm đến vấn đề đạo đức và xử thế đúng đắn cho tuổi trẻ. Muốn tuổi trẻ học cách sống hài hòa trong xã hội, lòng biết ơn và hiếu thảo, trường học phải có nhiệm vụ phát triển những người trẻ cả hai phượng diện trí tuệ và đạo đức.

4-Tôn giáo và văn hóa.

– Những người theo đạo ở New England tin rằng quy tắc đạo đức nằm trong Kinh thánh. Do đó, điều bắt buộc là trẻ em phải được dạy, đọc và phải tiếp cận với trí tuệ mỗi ngày, vì nó là nền tảng của một con người.

– Trong các truyền thống Do Thái và Kitô giáo, lòng hiếu thảo được khẳng định với nhiều trường hợp khác nhau trong Kinh thánh. Chẳng hạn, điều răn thứ 5 nói rằng “Hãy hiếu kính và tôn trọng cha mẹ”.

– Trong văn hóa Ấn Độ sơ khai, các yếu tố về lòng hiếu thảo có nhiều quan niệm khác biệt. Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu không có một quan niệm cụ thể về lòng hiếu thảo. Phật giáo Ấn Độ đã từ chối sự tôn trọng đối với tổ tiên và cha mẹ vì trong Phật giáo chính thống là phải từ chối tất cả các mối quan hệ gia đình, các mối quan hệ xã hội và giai cấp, nếu họ muốn theo đuổi niết bàn. Hơn nữa Phật giáo chủ trương các tu sĩ phải sống độc thân, điều này đối với Nho giáo họ không thể chấp nhận vì mất đi nghĩa vụ truyền giống của cha mẹ. Thật ra trong Phật giáo luôn khuyến khích lòng hiếu thảo và giúp đỡ cho cha mẹ, điển hình như câu chuyện Mục Kiền Liên cứu giúp mẹ dưới điạ ngục. Nho giáo chống lại và cáo buộc rằng không sinh con nối dòng dõi là vi phạm đạo đức của con người. Nhưng đối với đạo Phật, những việc làm xuất phát từ lòng hiếu thảo mang lại lợi ích thiết thực cho cha mẹ trong hiện tại và tương lai mới chính là hiếu thảo.

5-Nguyên nhân từ xã hội

– Xã hội có nhiều quy tắc về cách ứng xử, nhưng không phải tất cả các kỳ vọng của xã hội đều nằm trong địa hạt của đạo đức. Chúng ta phải đứng ở vị thế độc lập để đánh giá những quy ước nào là đạo đức và quy ước nào không. Giống như nhiều người cho là đạo đức là độc lập với các quy tắc tôn giáo, vì vậy nó cũng độc lập với quy ước xã hội. Cuộc cách mạng khoa học và công nghệ, với những ứng dụng hiện đại của công nghệ thông tin đã ảnh hưởng đặc biệt đến thế hệ trẻ, làm thay đổi cách thức làm việc, giao tiếp và tư duy, dẫn đến giới trẻ sống bất hiếu không quan tâm đến ông bà, cha mẹ khá nhiều. Các nhà tâm lý học về xã hội học của nhiều quốc gia trên thế giới cho rằng, trong quá trình hiện đại hóa xã hội đã tác động đến cốt lõi và cấu trúc tâm lý của con người hiện nay. Cũng như niềm tin và chuẩn mực hiếu thảo trong các mối quan hệ cha mẹ và con cái cũng có sự thay đổi.

Kết luận.

Chữ Hiếu là bài học đầu tiên của “Đạo làm người”, là nền tảng đạo đức của xã hội. Khái niệm về lòng hiếu thảo chứa đựng những quy tắc quan trọng mà trẻ em nên tuân theo về cách chúng đối xử và săn sóc cha mẹ khi tuổi già. Lòng hiếu thảo và đạo đức đóng một vai trò quan trọng trong gia đình và xã hội, thông qua nền văn hóa truyển thống. Mặc dù hiện nay tư tưởng hiếu thảo truyền thống đã thay đổi theo thời gian. Cho dù, lòng hiếu thảo được coi là có lợi hay có hại đi nữa, thì chắc chắn nó có ảnh hưởng quan trọng trong nhiều khía cạnh, đến sự tiến bộ của con người, bao gồm nhân cách, sự tương tác, xã hội hóa và mối quan hệ cha mẹ và con cái. Lòng hiếu thảo dường như nhấn mạnh đến nghĩa vụ yêu thương và vâng lời cha mẹ. Đồng thời cũng là nghĩa vụ của cha mẹ, trong tình yêu thương và giáo dục con cái. Nó còn đề cập đến tính ưu việt của mối liên kết gia đình với đời sống cá nhân và xã hội. Lòng hiếu thảo là một hành vi đạo đức không phải đơn giản là sự vâng lời mà còn là sự tôn kính nữa.

Linh Vũ

Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *