Đạo Phật

Chấp thân nghĩa là gì?

A Mi Đà Phật sắc vàng
Hầu hết tất cả chúng ta nếu chưa biết tu, chưa được nghe hiểu lời Phật dạy thì thường sẽ bị dính mắc vào thân hay còn gọi là chấp thân.
Vậy chấp thân là gì ?
Chấp thân nghĩa là xem cái thân này là của ta, xem tâm là của ta, và bám chấp cố hữu vào chúng, từ đó sinh ra bao cái chấp khác ngoài thân.
Khổ đau cũng từ đây xuất hiện, mà rất khó trừ diệt hay chuyển hoá được.
Với mỗi người chúng ta khi sinh ra trên đời ( kể cả các loài vật ) thì đều đa phần có một cái thân vật chất, và có phần tâm thức bên trong để điều khiển cái thân, giúp thân trở nên linh hoạt, làm được biết bao nhiêu là công việc…
Tuy nhiên, khi sở hữu một cái thân như vậy, chúng ta thường lầm tưởng cái thân tâm này là của ta.
Nhưng thật ra không phải, thân này chưa phải là của ta, mặc dù chúng ta đang sở hữu chúng.
Thân giống như một căn nhà trọ, mà ta là những người thuê đến thuê để ở nhờ vậy.
Vì sao như thế ?
Bởi vì theo năm tháng, cái thân chúng ta dần theo quy luật sinh diệt và sẽ bị già đi ( mà chúng ta bất lực không thể dừng được cái quy luật ấy ) và sẽ bệnh, chết, thân phân hủy, tan hoại…
Vậy lúc này cái gì là ta ?
Rõ ràng thân Tứ Đại ( Đất, nước, gió, lửa ) đã trở về lại với Tứ Đại, làm gì có cái gì là của ta để mà chấp mà bám víu.
Do đó, là người tu hành, học đạo, hiểu đạo, chúng ta phải thấy rõ điều đó, để tâm cần cởi bỏ sự bám chấp xem cái thân này là ta.
Và đừng nên suốt ngày chỉ biết ngắm nghía, tô son, hay trang điểm, làm đẹp….
Quá chú trọng vào cái hình thức bên ngoài sẽ chỉ khiến quý vị mất nhiều thời gian quý giá, tốn kém và dễ chuốc thêm phiền não mà thôi, chứ chẳng được gì.
Thân không phải là ta, vậy tâm có phải là ta hay không ?
Hợp thể Sắc, Thọ, Tưởng, Hành, Thức hình thành nên thân tâm của các chúng sinh, nhưng chúng chỉ là giả danh, chứ không thật có.
Thân không phải là ta, mà tâm cũng không phải là ta, chứng ngộ được điều này là quý vị đã đắc đạo rồi (Chứng cảnh giới của Vô Ngã, đắc Quả A La Hán giải thoát).
Do đó, việc thực hành quán niệm, để buông bỏ dần sự chấp thân, buông bỏ các tâm chấp vào ý kiến, quan điểm, thế mạnh của mình….là pháp tu rất căn bản mà quý vị nên thực tập, nếu muốn tiến xa hơn trên bước đường tâm linh tu hành giải thoát Phật dạy…
Nam Mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật
Được gắn thẻ ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *