Đạo Phật

10 Hạnh Nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền

10 Hạnh Nguyện lớn của Bồ Tát Phổ Hiền

Phổ Hiền Thập Đại Nguyện Hạnh là nội dung hạt nhân trong việc tin ngưỡng và tu trì của Bồ Tát Phổ Hiền, xuất phát từ Phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện trong Kinh Hoa Nghiêm. Phật Giáo Hán truyền coi Bồ Tát Phổ Hiền là biểu tượng cho đại hạnh thực tiễn, cùng với Bồ Tát Quán Âm (biểu tượng cho Từ Bi), Bồ Tát Văn Thù (biểu tượng cho trí tuệ), Bồ Tát Địa Tạng (biểu tượng cho thệ nguyện); cùng hình thành nên nội hàm tín ngưỡng và tinh thần tiêu biểu của bốn tâm hạnh Bi-Trí-Nguyện-Hạnh của Phật Giáo Đại Thừa.

Bồ Tát Phổ Hiền
Bồ Tát Phổ Hiền

Phổ Hiền thập hạnh là do Bồ Tát Phổ Hiền nhân vì để tán thán công đức thù thắng của Như Lai trong Hải ấn Tam Muội mà tuyên nói với các hàng Bồ Tát đại chúng và Thiện Tài Đồng Tử trên Hội Hoa Nghiêm rằng muốn thành tựu công đức này của Phật cần phải tu 10 loại hạnh nguyện quảng đại. Chính như lời trong kinh nói: “giả như hết thảy chư Phật trong mười phương có cùng diễn thuyết liên tục trải bất khả thuyết Phật sát vi trần số kiếp cũng không thể nói hết được công đức của Như Lai, nếu muốn thành tựu công đức này, phải nên tu mười đại hạnh nguyện. ”

Tự xưa đến nay, Phổ Hiền thập hạnh luôn được người tu trì Phật Giáo Hán truyền trân trọng và phụng hành. Các đạo tràng Phật Giáo Hán truyền đều đưa Phổ Hiền thập hạnh vào nội dung thời khóa buổi sớm mỗi ngày nhằm nhắc nhở phương hướng tu hành tổng thể của người tu học Phật. Do đó, Phổ Hiền thập hạnh không chỉ là tinh thần đặc trưng “đại hạnh” đại biểu cho Phật Giáo Hán truyền mà còn nói chính là thực tiễn Phật Pháp, bởi trong thập hạnh hàm chứa hết thảy các pháp môn tu trì khác. Đồng thời, trong Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện, khi giải thích mỗi một hạnh nguyện đều nhấn mạnh phải “niệm niệm chẳng ngừng nghỉ, không có gián đoạn; ba nghiệp thân, khẩu, ý không có mệt mỏi”, đã chứng minh mỗi một hạnh nguyện bất kể là thân hạnh, ngôn ngữ hoặc ý niệm đều phải là nguyện hạnh kiên định phát từ nội tâm, thời thời khắc khắc không có gián đoạn. Ví dụ như trong Kinh có giải thích hạnh “lễ kính chư Phật” như sau: “khi hư không giới tận thì lễ kính mới tận; mà hư không giới thì không thể tận, nên lễ kính cũng không có cùng tận. Cũng như vậy cho đến chúng sinh giới tận, chúng sinh nghiệp tận, chúng sinh phiền não tận, thì lễ kính mới tận; mà chúng sinh giới cho đến phiền não không có cùng tận nên lễ kính cũng không có cùng tận.”

Bồ Tát Phổ Hiền
Bồ Tát Phổ Hiền

Điểm đặc sắc của Phổ Hiền thập hạnh là tâm lượng của mỗi một nguyện hạnh đều phải lớn như bầu hư không, tức bất kì nguyện nào khi phát cũng phải hằng tâm kiên cố, kiên trì đến cùng, phương hướng tu hành là độ tận hết thảy chúng sinh. Nghị lực hằng tâm kiên chí rộng lớn tự lợi lợi tha như vậy, không riêng chỉ là người xuất gia cần phải nuôi dưỡng thành tựu trên bước đường tu tập, mà cư sĩ Phật Giáo cũng càng cần phải nỗ lực hướng tới, đạt được trên con đường truy cầu chân lí, thậm chí thực tiễn vào cuộc sống thường nhật của mình.

Căn cứ vào “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm” thì nội dung của Phổ Hiền thập nguyện gồm: 1. Lễ kính chư Phật; 2. Xưng tán Như Lai; 3. Quảng tu cúng dường; 4. Sám hối nghiệp chướng; 5. Tùy hỷ công đức; 6. Thỉnh chuyển pháp luân; 7. Thỉnh Phật trụ thế; 8. Thường tùy Phật học; 9. Hằng thuận chúng sinh; 10. Phổ giai hồi hướng.

Việc chú giải cụ thể về “Phổ Hiền Bồ Tát Hạnh Nguyện Phẩm” tương đối phong phú đa dạng, nhưng tóm lược hàm nghĩa chủ yếu của 10 hạnh nguyện như sau:

1. Lễ Kính Chư Phật: Tin sâu mười phương ba đời hết thảy chư Phật, đồng thời tự thanh tịnh ba nghiệp thân – khẩu – ý của bản thân để thường tu lễ kính.

2. Xưng Tán Như Lai: Dùng các loại âm thanh và ngôn từ để xưng tán công đức sâu dày của hết thảy các Như Lai.

3. Quảng Tu Cúng Dường: Ngoài dùng hoa man, âm nhạc, ô lọng, y phục, các loại hương hoa (dạng bôi quét, hương đốt hoặc dạng bột) cúng dường; còn có thể dùng “pháp” để cúng dường như: như pháp tu hành, lợi ích chúng sinh, nhiếp thọ chúng sinh, chịu khổ thay chúng sinh, chuyên cần tu bồi thiện căn, không xả hạnh Bồ Tát, không bỏ tâm Bồ Đề cùng các pháp khác hồi hướng cúng dường. Như lời trong kinh nói: trong các loại cúng dường thì dùng “pháp” cúng dường là thù thắng nhất.

4. Sám Hối Nghiệp Chướng: Là thanh tịnh ba nghiệp, do tham-sân-si từ vô thủy kiếp quá khứ đến nay dẫn tạo các loại nghiệp ác nơi thân-khẩu-ý, nay xin phát lồ sám hối hết thảy, nguyện không tái phạm ác nghiệp mà thường trụ tịnh giới.

5. Tùy Hỷ Công Đức: Hoan hỷ tán thán thiện pháp, công đức của hết thảy chư Phật, bao gồm hết thảy pháp thế gian và xuất thế gian. Trong đó cũng bao gồm hết thảy công đức của các vị Bồ Tát, Thanh Văn, Bích Chi Phật; cùng công đức của các dạng loài trong tứ sinh, lục thú của hết thảy các thế giới khắp mười phương.

6. Thỉnh Chuyển Pháp Luân: Ân cần, thành kính dùng lời nói- hành động- ý nghĩ, cùng các loại phương pháp khác để thỉnh mời chư Phật tuyên thuyết diệu pháp.

7. Thỉnh Phật Trụ Thế: Khuyên hết thảy các vị Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Duyên Giác cho đến hết thảy các vị Thiện tri thức sắp thị hiện Niết Bàn vì lợi ích của chúng sinh mà dừng nhập Niết Bàn.

8. Thường Tùy Phật Học: Thường theo tùng học tập Phật Pháp nơi đức Thế Tôn Tỳ Lô Giá Na Phật cùng hết thảy chư Như Lai trong khắp ba đời mười phương vi trần số Phật sát.

9. Hằng Thuận Chúng Sinh: Bất luận là sinh loại, hình trạng, tướng mạo, thọ lượng, chủng tộc, danh hiệu, tâm tánh, tri kiến, dục lạc, ý hạnh, uy nghi của chúng sinh ra sao đều bình đẳng tùy thuận, thừa sự, hồi hướng, nhiêu ích hết thảy chúng sinh không phân biệt. Cung kính đối đãi như với cha mẹ, sư trưởng và chư Phật không khác.

10. Phổ Giai Hồi Hướng: Dùng công đức của 9 loại nguyện hạnh bên trên để hồi hướng cho vô lượng chúng sinh trong hư không pháp giới, nguyện để chúng sinh thường đắc an lạc, không còn các phiền não đau khổ, cuối cùng thành tựu đạo quả vô thượng Bồ Đề.

 

Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *