Chuyện nhân quả - vãng sanh

Những hạt đậu biết nhảy

Ban thờ Quán Thế Âm Bồ Tát
Tại biên giới của tỉnh Tây Khương sát với Tây Tạng, có một bà lão sống cô độc. Chồng và đứa con trai duy nhất của bà đã qua đời. Bà sống nhờ một thửa đất nhỏ trồng những hạt ngũ cốc.
Vì cuộc đời đã trải qua nhiều gian truân từ nhỏ, bà lão cảm thấy nghiệp chướng trong người rất nặng, nên đã cố công tìm hỏi những người chung quanh phương pháp chuộc tội để cầu xin cho tâm hồn được bình yên. Cuối cùng thì bà được một người hành hương tốt bụng truyền cho một câu thần chú của Quán Thế Âm Bồ Tát. Câu thần chú gồm có sáu chữ:
Án Ma Ni Bát Di Hồng được gọi là Lục Tự Đại Minh Chú, có thể dùng để giải trừ những nghiệp chướng.
Tội nghiệp cho bà già thôn dã đã dốt nát lại không biết chữ, trên đường về nhà bà lẩm bẩm cố học thuộc lòng, nhưng đã nhớ lộn cách phát Âm trở thành Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Để khích lệ cho việc đọc câu Kinh sám hối này bà bày ra hai cái chén, một cái chén không, còn một cái thì để đầy những hạt đậu nành. Mỗi khi đọc xong một câu thần chú, bà nhặt một hạt đậu từ trong chén đầy bỏ sang cái chén không, đến khi cái chén không đã chứa đầy đậu thì bà làm ngược trở lại. Bà lão đã không ngừng nghỉ, thành tâm tụng niệm suốt 30 năm. Lòng thành kính của bà đã ứng hiện cho nên sau này những hạt đậu không còn cần đến bàn tay của bà nhặt lấy, cứ một câu thần chú vừa được phát Âm ra thì một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Bà lão thấy những hạt đậu tự động nhảy nhót, cộng hưởng với Âm điệu của câu thần chú thì biết rằng sự tu hành đã đúng đường và giai đoạn sám hối sắp sữa chấm dứt cho nên bà càng phấn khởi tụng niệm hăng say hơn.
Hôm nọ có một vị Cao tăng từ Tây Tạng vân du qua đó, khi đi ngang qua chiếc lều tranh lụp sụp của bà, nhà Sư thấy có ánh hào quang tỏa ra rực rỡ. Vị Cao tăng này lấy làm kinh ngạc, ông nghĩ rằng bên trong chiếc lều tranh thế nào cũng có một vị chân tu đắc đạo. Ông vội vã ghé vào thăm hỏi. Bà lão lấy làm vui mừng khi thấy vị Cao tăng đến thăm, bà quỳ xuống đảnh lễ, mà miệng thì vẫn cứ tiếp tục lẩm bẩm câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh. Vị Cao tăng lấy làm ngạc nhiên vì không hiểu ánh hào quang rực rỡ mà ông thấy phía bên ngoài phát xuất từ nơi đâu? Ông lần lần hỏi thăm :
– Chẳng hay nữ thí chủ tu luyện bao nhiêu năm rồi? Ở đây còn có ai khác nữa không?.
– Thưa Ngài, ở đây chỉ có một mình tôi sống cô độc hơn ba mươi năm nay. Bà lão đáp.
– Thật tội nghiệp, bà ở một mình chắc buồn lắm nhỉ?
– Không đâu, tuy chỉ ở một mình nhưng hàng ngày tôi tu hành và tụng Kinh sám hối để kiếp sau có thể hưởng được nhiều phúc đức của kiếp này, nhờ vậy mà tôi không cảm thấy buồn khổ. Nhất là từ lúc được một người hảo tâm chỉ cho cách tu luyện thì tôi càng có can đảm để sống hơn.
– Bà đang tu luyện Kinh sách nào vậy?
– Ồ, tôi không biết chữ, cho nên chỉ tụng niệm duy nhất một câu thần chú Án Ma Ni Bát Di Xanh.
Nhà sư thở dài tiếc nuối:
– Bà lão ơi, bà đã đọc sai câu thần chú đó rồi, phải phát âm là Án Ma Ni Bát Di Hồng mới đúng.
Đến lúc này thì bà lão mới biết là đã đọc sai câu thần chú hơn ba mươi năm. Bà rất đau buồn vì sự nhầm lẫn trọng đại này, như vậy thì công trình 30 năm tụng niệm coi như xe cát biển đông. Tuy nhiên bà cũng cảm ơn sự cải chính của nhà Sư.
– Dù sao thì Ngài cũng đã đính chính kịp lúc, bằng không thì tôi còn tiếp tục sai mà không biết cho đến bao giờ mới điều chỉnh cho đúng được.
Nhà sư từ giã bà lão để tiếp tục con đường truyền đạo của ông. Bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm của bà mà lần này với câu thần chú mới Án Ma Ni Bát Di Hồng. Thế nhưng tâm tư của bà còn hỗn độn vì sự việc vừa rồi cho nên ý chí của bà không được tập trung. Mỗi câu thần chú của bà đã không còn làm cho những hạt đậu hứng khởi nhảy sang cái chén bên cạnh như lúc trước. Bà lão vừa tụng niệm mà nước mắt cứ tuôn rơi, bà thầm tiếc cho công trình tu luyện hơn ba mươi năm như trôi theo dòng nước vì đã đọc sai câu thần chú.
Nhà Sư đi được một đỗi xa, ông ngoái đầu nhìn lại thì thấy căn nhà của bà lão không còn hào quang chói sáng. Bây giờ túp lều tranh hiện hình dột nát mà lại âm u buồn bã. Nhà Sư giật mình và nghĩ rằng chính ông đã làm hại người Phật tử này không còn tập trung được tư tưởng như lúc trước. Ông vội vã trở lại túp lều tranh và nói với bà lão rằng:
– Lúc nãy ta chỉ đùa với bà thôi, câu thần chú của bà tụng mới thật là đúng.
– Nhưng tại sao Sư phụ lại dối gạt tôi như vậy?
– Ta muốn thử xem lòng thành kính của bà đối với Tam bảo như thế nào vậy thôi. Từ nay về sau bà cứ tiếp tục tụng niệm y như cũ là phải phép rồi.
– Cám ơn Phật, vậy mà con cứ tưởng rằng công lao 30 năm tụng niệm đã trôi theo dòng nước, đa tạ Sư phụ chỉ bày.
Sau khi nhà Sư ra đi, bà lão lại tiếp tục công việc tụng niệm, mỗi một câu Án Ma Ni Bát Di Xanh được niệm ra thì tâm hồn bà rộn rã tươi vui và một hạt đậu tự động nhảy sang cái chén bên cạnh. Nhà Sư đi lên đến đỉnh núi, ông ngoái đầu nhìn trở lại thì thấy hào quang phát ra từ túp lều tranh của bà lão đã làm sáng rực cả một góc trời.
Tác giả: Lâm Thanh Huyền
CLB Hoằng Pháp Trẻ
P/s Qua câu chuyện trên nhắc nhở cho con người chúng ta rằng, lòng thành kính mới quan trọng, chứ không phải hình thức. Câu chuyện này gợi cho tôi nhớ nhiều người hưởng ứng phong trào chép kinh, Khg biết ai bày đặt in hình ảnh ngài Địa Tạng ngoài cuốn tập 200 trang, như giành bản quyền vì muốn được công đức cho bản thân mình thôi. Giành giựt bố thí cách này như sợ ai tranh mất phước, suy nghĩ vậy là tâm còn ích kỷ quá, thay vì dặn họ mua tập 200 để chép cũng có công đức, vậy mà không thèm giải thích để nhiều em không dám mua tập 200 trang bên ngoài vì không có cái ảnh ngài Địa Tạng để chép, và vì sợ không đúng khuôn mẫu thì mang tội. Cho nên, các anh chị in kinh ấn tống hoặc cho tặng bất cứ cái gì cũng nên nghĩ cho người ta, không vì quyền lợi riêng là tham, làm cho đúng Chánh pháp nhé. Đừng nên gây hoang mang cho những em mới tập tu tội lắm đó.
Alisa góp ý.
Được gắn thẻ , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *