Chuyện nhân quả - vãng sanh

Hoàng đế diệt Phật dù ngôi cao tột bậc cũng không tránh được kiếp nạn

Hoàng đế diệt Phật

Trong lịch sử có ba vị “Võ Đế” và một vị “Tông Đế” vì phỉ báng Phật Pháp mà tạo thành tai nạn, không chỉ bách tính chịu khổ mà người diệt Phật cũng đều chịu quả báo.

Văn minh phương Đông là nền văn hóa Thần truyền, tín ngưỡng Thần Phật xuyên suốt hàng ngàn năm qua. Xem các minh quân nhân đức trong lịch sử, không vị nào là không kính Trời thuận theo Đạo, và rất kính trọng những người tu luyện. Người dân cũng phổ biến tín ngưỡng Thần Phật, tin vào lẽ Trời, tuân thủ phép tắc sinh tồn mà Thần định ra cho con người, và tin vào nhân quả. Mà những người phỉ báng Phật thì đều không có thiện quả. Trong lịch sử đã ghi chép bốn trường hợp nổi tiếng nhất, đó là ba vị “Võ Đế” và một vị “Tông Đế” vì diệt Phật mà tạo thành tai nạn, không chỉ bách tính chịu khổ mà người diệt Phật cũng đều chịu quả báo.

Các minh quân có Đạo trong lịch sử đều tín ngưỡng Thần Phật, tạo phúc, ân trạch khắp tám phương, khiến muôn dân yên vui, văn hóa phát triển, thiên hạ đều quy thuận, bốn biển đều kính ngưỡng. Như Hán Văn Đế, Đường Thái Tông, Khang Hy đã khai sáng ra các thời kỳ thịnh trị lần lượt là “Văn Cảnh chi trị”, “Trinh Quán chi trị” và “Khang Càn thịnh thế”, tiếng thơm ngàn đời.

Trong lịch sử cũng xuất hiện các đế vương không kính Phật, như Bắc Ngụy Thái Võ Đế, Bắc Chu Võ Đế, Đường Võ Tông, Hậu Chu Thế Tông, họ đều đột tử ở tuổi tráng niên. Tuy tình tiết có chút khác biệt, nhưng kết cục lại giống nhau đến lạ kỳ. Lấy việc xưa làm gương soi, có thể thấy được hưng vong, lịch sử luôn lặp lại để cảnh tỉnh người đời sau: Người tôn kính Thần được phúc lành, kẻ phỉ báng Phật chịu ác báo.

Mục lục

Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đào

Thời kỳ Nam Bắc triều, Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đào đích thân dẫn quân thiết kỵ đạp bằng bốn nước, nhất thống phương Bắc. Đương thời, Phật Pháp truyền bá rộng rãi, rất nhiều người xuất gia tu hành. Năm 438, Thái Võ Đế hạ chiếu lệnh các tăng lữ từ 50 tuổi trở xuống phải hoàn tục, để giải quyết vấn đề thiếu nguồn binh sỹ. Năm 444, ông ta lấy lý do Phật pháp làm “các hoạt động mê tín”, lại hạ chiếu xua đuổi tăng lữ. Năm 446, ông ta nghe theo lời của trọng thần Thôi Hạo, đã ban hành chiếu diệt Phật tàn bạo nhất: Đập vỡ, thiêu đốt tượng Phật và kinh Phật, phá dỡ chùa chiền, chôn sống tăng lữ.

Đương thời, một đạo sỹ ở Bắc Ngụy là Khấu Khiêm Chi đã khuyên Thôi Hạo không nên làm như vậy, đồng thời bảo với Thôi Hạo rằng: “Ông sau này sẽ bị giết, hơn nữa còn chịu cái họa diệt môn (giết cả gia tộc)”. Nhưng Thôi Hạo không nghe theo.

Bốn năm sau, Thôi Hạo do biên soạn viết Bắc Ngụy quốc sử, đã phạm húy với Thái Võ Đế, bị Thái Võ Đế giết chết, đồng thời tiêu diệt cả gia tộc Thôi Hạo. Trước khi hành hình, Thôi Hạo bị chở trên một cái xe không mui, quan lại còn cho 10 người đái vào miệng ông ta. Cứ như thế đi được mấy dặm, Thôi Hạo không chịu nổi khốn khổ kêu la lớn cầu xin. Thôi Hạo khi sống chịu 5 cực hình đánh roi, đánh gậy, tống giam, lưu đày và tử hình. Xưa nay những người bị phán xử tử hình chưa ai từng phải chịu nỗi nhục như thế này. Hơn nữa, những dòng họ quan hệ nhân thân với Thôi Hạo là dòng họ Thôi ở Thanh Hà, dòng họ Lư ở Phạm Dương, dòng họ Quách ở Thái Nguyên, dòng họ Liễu ở Hà Đông, tất cả đều bị xử tử, diệt sạch gia tộc.

Sau đó 2 năm, Thái Võ Đế đang đỉnh cao như mặt trời giữa trưa, bị hoạn quan giết chết, tuổi mới 45. Hai con trai của Thái Võ Đế (thái tử và Cung Tông) cũng lần lượt chết trong tay hoạn quan.

Năm 452 Văn Thành Đế kế vị, lập tức vãn hồi lỗi lầm của ông nội, tái hưng Phật Pháp. Hang đá Vân Cương là do Văn Thành Đế hạ chiếu xây dựng. Từ đó quốc thái dân an, tạo nền móng cho Ngụy Hiếu Văn Đế sau này phục hưng quốc gia.

Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung

Thời Nam Bắc triều, Bắc Chu và Bắc Tề Phật giáo đều rất thịnh hành. Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung là người Thần dũng anh vũ, năm 32 tuổi đích thân chinh phạt Bắc Tề, năm 34 tuổi thống nhất phương Bắc. Sau khi Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung chấp chính, đã hạ chiếu lệnh: “Diệt hai giáo Phật, Đạo, kinh và tượng đều tiêu hủy, bãi bỏ sa môn (tăng ni), đạo sỹ, đồng thời lệnh hoàn tục”. Cứ nơi nào chiếu lệnh đến, tượng Phật bị nung chảy, kinh thư bị đốt cháy, Phật tháp bị phá hoại, chùa chiền biến thành nhà ở tục gia, tăng ni đều bị hoàn tục làm dân.

Năm 577 sau khi tiêu diệt Bắc Tề, Chu Võ Đế lại đem chiếu lệnh phế trừ Phật giáo ban bố ở đất Bắc Tề, hạ lệnh diệt Phật trong lãnh thổ nước Tề trước đây, chùa chiền đều bị phá hủy hết. Tháng 6 năm sau chinh phạt Đột Quyết, khi đại quân tề tựu đầy đủ, Võ Đế mắc căn bệnh lạ, toàn thân nát rữa mà chết, khi đó tuổi mới 36.

Năm 581 Dương Kiên phế Bắc Chu xây dựng nhà Tùy. Sau khi nhà Tùy hoàn thành đại nghiệp thống nhất thiên hạ, kế thừa các biện pháp hưng Phật, lễ Phật, kính Phật thời Nam Bắc triều, lại dốc sức hoằng dương Phật pháp, khiến cho Phật giáo đang ở thời suy vi sau khi Chu Võ Đế diệt Phật nay lại trở nên hưng thịnh, đồng thời tạo tiền đề cho Phật giáo bước vào thời đại hoàng kim thịnh truyền vào đời Đường.

Năm Khai Hoàng thứ 11 triều Tùy, Đại phủ tự thừa Triệu Văn Xương đột nhiên bạo bệnh chết, duy còn trái tim vẫn ấm. Người nhà không dám liệm, sau đó ông lại sống lại, nói:

“Ta khi mới chết, có người dẫn ta đến chỗ Diêm La Vương. Diêm Vương hỏi ta: ‘Ngươi từ khi sinh đến giờ, đã làm những việc phúc gì?’. Ta trả lời rằng: ‘Con gia cảnh bần cùng, không có năng lực tạo dựng công đức. Chỉ có mỗi ngày chăm chỉ niệm kinh Phật’. Diêm Vương nghe mấy lời này, chắp tay cúi đầu, khen ngợi rằng: ‘Rất tốt’. Diêm Vương liền sai người dẫn ta về nhà, lệnh cho ta đi ra ở cổng Nam.

Đến cổng ta thấy Võ Đế ở trong phòng phía bên cổng, bị khóa 3 lớp khóa. Ông ấy nói với ta rằng: ‘Ông là người nước ta, tạm thời đến đây, ta muốn nói chuyện với ông’. Ta lập tức bái kiến. Võ Đế nói: ‘Ông có nhận ra ta không?’. Ta nói rằng: ‘Thần trước đây là thị vệ của bệ hạ’. Võ Đế bèn nói: ‘Ông là bề tôi xưa của ta, bây giờ về nhà, hãy thay ta nói với Tùy Hoàng Đế rằng, bao nhiêu tội lỗi của ta đều có thể biện giải minh bạch được, duy chỉ có tội diệt Phật pháp là quá nặng, không được xá tội, mong Tùy Đế gây dựng chút công đức cho ta. Hy vọng thông qua các việc thiện này chuộc lỗi, khiến ta được ra khỏi địa ngục’.

Ta tiếp nhận lời ủy thác rồi đi. Đến khi ra khỏi cổng Nam, nhìn thấy trong hố phân lớn có tóc của một người nổi lên trên, bèn hỏi người dẫn đường. Người dẫn đường nói: ‘Đây là đại tướng Bạch Khởi của nước Tần, bị cầm tù ở nơi này, tội ác vẫn chưa hết’”.

Văn Xương về đến nhà thì sống lại, bèn đem những việc này tấu lên hoàng thượng Dương Kiên. Dương Kiên bè lệnh cho người trong thiên hạ xuất tiền theo nhân đinh để làm pháp sự siêu độ cho Chu Võ Đế. Cử hành đại tế lễ 3 ngày, đồng thời ghi chép lại những việc này, viết trong “Tùy thư .

Chu Vũ Đế qua nét vẽ của Diêm Lập Bản, họa sĩ đời Đường (nguồn: Wikipedia).

Đường Võ Tông Lý Viêm

Đường Võ Tông Lý Viêm tín ngưỡng Đạo giáo, năm 26 tuổi đăng cơ. Tháng 8 năm Hội Xương thứ 5 (năm 845) bắt đầu đại phá hủy chùa Phật, ra chiếu thư lệnh phá hủy hơn 4600 chùa chiền lớn và hơn 4 vạn chùa chiền nhỏ. Kinh Phật bị thiêu số lượng lớn, tượng Phật nấu chảy đúc tiền, lệnh hơn 260 nghìn tăng ni hoàn tục, các hòa thượng Ấn Độ và Nhật Bản cũng không được miễn.

Trong Truyền Thần lục có chép, trong những năm Đường Võ Tông Lý Viêm tại vị, phía bắc thành Trường An có ngôi mộ cổ, cao hơn 10 trượng, to mấy chục người ôm, tương truyền là lăng mộ của Chu Mục Vương. Ngày 15 tháng giêng năm Đường Võ Tông Hội Xương thứ 6, có thầy đồ trường tư thục ban đêm đi qua lăng, ngẫu nhiên nghe thấy lời đối thoại giữa thành hoàng Đại Thần với hai viên tiểu lại coi lăng mộ trong rừng cây.

Thành hoàng nói: “Gần đây Đường Võ Tông Lý Viêm phá hoại Phật Pháp thiêng liêng, đập phá tượng Phật, bừa bãi giết tăng nhân, đã phạm đại tội tày trời, Thiên Thần nổi giận, hạ lệnh lấy đi cái mạng chỉ còn lại 12 năm của ông ta. Không chỉ như vậy, vẫn còn làm cho ông ta chịu cái khổ đau của bệnh tật không thể chịu nổi chốn nhân gian, để từ đó thế nhân cảm thụ được báo ứng phỉ báng Thần Phật, tàn hại các đệ tử Phật môn. Sau đó lại đưa ông ta đọa địa ngục, chịu các hình phạt tàn khốc, chịu thống khổ giày vò vô tận”.

Quả nhiên qua 2 ngày, trong thành Trường An truyền ra dán hoàng bảng chiêu mời thầy thuốc, treo thưởng lớn cho danh y có thể chữa được căn bênh lạ của Đường Võ Tông. Nhưng chưa được 20 ngày, đã nhận được thánh chỉ của hoàng đế mới ban ra, để thần dân toàn quốc mặc tang phục viếng lễ phát tang cho Đường Võ Tông, khi chết mới 32 tuổi. Sau này thầy thuốc trị bệnh cho Đường Võ Tông nói mới biết, Đường Võ Tông mắc căn bệnh vô cùng đáng sợ, đầu to bằng cái đấu, toàn thân mọc mụn độc, lở loét tanh thối vô cùng, nhãn cầu đau lồi ra, mồm lưỡi chảy máu, đau đớn không chịu nổi, ngày đêm kêu gào không ngớt. Y dược không trị được, đúng là sống không bằng chết.

Hoàng Thái Thúc Lý Thầm (Tuyên Tông) kế vị, việc đại sự đầu tiên sau khi đăng cơ là hạ chiếu khôi phục toàn diện chùa chiền tăng ni, từ đó tiếng búa rìu phục tu chùa chiền trong khắp thiên hạ không ngừng vang bên tai. Tuyên Tông tại vị 13 năm, dốc sức sửa sang trị vì, dân giàu nước mạnh, thái bình yên định, sử sách gọi là “Đại Trung chi trị”.

Hậu Chu Thế Tông Sài Vinh

Năm thứ 2 Sài Vinh kế vị, tháng 5 năm 955 hạ chiếu đại hủy hoại chùa Phật. Phật Pháp chùa chiền trong nước, trừ chùa có hoàng đế đề chữ thì có thể giữ lại, mỗi huyện chỉ được giữ lại một chùa, còn lại đều phá hủy hết. Toàn quốc phá dỡ 30.360 chùa, tiêu hủy tượng Phật đúc tiền, gần một triệu tăng ni bị ép hoàn tục.

Chùa Đại Bi Trấn Châu có một pho tượng đồng Quán Thế Âm Bồ Tát vô cùng linh nghiệm, người đập tượng đều gẫy tay mà chết, không ai dám động đến nữa. Sài Vinh đích thân dùng búa lớn bổ vào phần ngực tượng Bồ Tát.

Quyển thứ 11 “Phật Pháp Kim Thang biên” có chép một đoạn đối thoại giữa Tống Thái Tổ Triệu Khuông Dận và hòa thượng Ma Y.

Triệu Khuông Dận hỏi Ma Y: “Các đế vương cổ đại hủy diệt Phật Pháp, so với Đại Chu kết quả thế nào?”.

Ma Y nói: “Bắc Ngụy Thái Võ Đế Thác Bạt Đào diệt Phật, tháo dỡ chùa chiền, đốt thiêu kinh Phật, đập phá tượng Phật, chôn giết tăng ni. 7 năm sau bị hoạn quan Tông Ái mưu sát, cha con ông ta đều chết thảm”.

“Bắc Chu Võ Đế Vũ Văn Ung phá hủy chùa Phật kinh sách, cưỡng ép tăng ni hoàn tục. Không lâu sau ông ta mắc bệnh lạ, toàn thân lở loét, chết ở tuổi mới 36. Không đến 3 năm, quốc gia cũng bị diệt vong”.

“Đường Võ Tông Lý Viêm phá hủy chùa chiền trong thiên hạ. Chính vào năm diệt Phật đó, ông ta do uống đan dược quá lượng trúng độc mà chết, khi chết tuổi mới 32. Sau đó Hoàng Sào lại dấy binh phản lại nhà Đường”.

Triệu Khuông Dận nói: “Quốc gia hỗn loạn đã lâu, bách tính chán ghét chiến tranh. Hủy Phật Pháp không phải là cái phúc của quốc gia, nên làm thế nào?”.

Ma Y nói: “Đã hiển hiện điểm lành khí trắng, không lâu nữa sẽ có hoàng đế thánh minh xuất hiện. Hoàng đế thánh minh hưng thịnh thì Phật Pháp cũng theo đó mà hưng thịnh, hơn nữa truyền thế vô cùng. Xin ngài hãy nhớ kỹ lời tôi”.

Quả nhiên không ngoài dự liệu của hòa thượng Ma Y, 4 năm sau, Chu Thế Tông Sài Vinh đột nhiên phát bệnh, ngực mọc cái nhọt ác. Sau đó không lâu, cái nhọt ở ngực vỡ mà chết. Nhà Hầu Chu cũng mau chóng bị Triệu Khuông Dận tiêu diệt. Sau khi Triệu Khuông Dận lên làm hoàng đế triều Tống, ghi nhớ lời căn dặn của hòa thượng Ma Y, trùng tu xây dựng chùa chiền, ban ruộng đất cho chùa chiền, ra sức hoằng dương Phật Pháp, quốc gia an định phồn vinh, Phật Pháp cũng theo đó mà hưng thịnh.

Bốn hoàng đế nói trên không tin Thần Phật tồn tại, không tin có nhân quả báo ứng. Nhưng, bất kể là con người có tin hay không tin, Thần Phật vẫn cứ tồn tại. Thần Phật làm chủ tất cả, quyết định tất cả. Vậy thì hủy hoại Phật, diệt Phật, sát hại tín đồ tín ngưỡng Phật đều là tội nghiệp rất sâu nặng, đều phải chịu báo ứng. Cho dù ngôi cao tột bậc như hoàng đế, cũng không thoát khỏi kết cục bản thân chết thảm, quốc gia diệt vong.

Theo Epochtimes – dkn.tv
Nhất Tâm biên dịch

Được gắn thẻ , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *