Chuyện nhân quả - vãng sanh

Bồ Tát Đại Nguyện Địa Tạng nghe gọi đến cứu

Ngài Địa Tạng Bồ Tát độ chúng sanh
Ngày 21 tháng Giêng năm Dân Quốc thứ 49, tuy là mùa đông, nhưng không có cảm giác lạnh. Tôi chỉ mặc chiếc áo len mỏng mà còn thấy nóng, song không dám cởi vì trong người đang có triệu chứng cảm cúm.
Đến công sở chưa được bao lâu, tôi nhận được thư của một vị Đại đức ở Đài Bắc gửi đến, nhờ đến tòa soạn tạp chí Bồ Đề Thọ, thỉnh giùm cuốn sách Phật Học Vấn Đáp của Bính công (tiên sinh Lí Bính Nam). Tôi vốn nhanh nhẩu việc nhờ này, phải làm ngay không được chậm trễ. Xin phép công ty cho ra ngoài một tiếng rưỡi, mang tấm thân mệt mỏi đến tạp chí, dưới ánh nắng đổ lửa, mồ hôi ướt đầm cả thân, tôi nghĩ bụng: “Mồ hôi ra nhiều thế này, rất có lợi cho bệnh cảm của mình”. Nóng mấy, tôi cũng không cởi áo len. Đến tòa soạn, tôi hỏi Đại đức Chu Bùi:
– Bạch thầy! Ở đây có cuốn Phật Học Vấn Đáp của Bính công không ạ?
– Xin lỗi thí chủ, ở đây không có cuốn đó! – Đại đức trả lời.
Thất vọng ê chề, tôi quẹo sang Liên Xã. Vừa bước vào, gặp cư sĩ Lại Đống Lương lái xe đi ra, anh thắng xe lại nói:
– May quá, em đang định tìm chị rủ làm công đức!
Anh rút tờ báo Dân Thanh mới bảo nên xem trang thứ hai, tôi nói:
– Anh hay thật đấy, vừa muốn tìm em, em liền đến, có chuyện gì anh cứ tự nhiên chỉ dạy!
Nhưng, anh ta vẫn cứ nhất định bảo tôi ngồi xuống xem báo rồi hãy tính. Phải về gấp để làm việc, còn tâm trí đâu ngồi xem báo? Tôi nghĩ thế nào anh ta cũng bảo mình đi quyên góp giúp người ta đây (xưa nay vẫn vậy mà, mỗi lần lão tìm mình chẳng có chuyện gì khác ngoài chuyện này). Tôi thở dài:
– Lão Lại à! Nếu muốn em phát tâm một chút không thành vấn đề, còn nếu bảo em đi quyên góp thì không được rồi, vì hiện tại em bận lắm.
– Thì chị cứ ngồi xuống đi, chị xem thử (anh ta chỉ vào tờ báo) rốt cuộc cần chị làm công đức gì?
Tôi nghĩ: “Không phải bảo mình phát tâm quyên góp, vậy còn có công đức nào có thể làm?…” Lão Lại chưa đợi tôi nói, liền lật báo: Em thấy nguyệt san đăng tải sự tích linh cảm của việc chị tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện. Hiện tại có một vị đạo hữu là cư sĩ Kỉ Tam Toàn, gia cảnh hết sức túng quẫn. Cư sĩ đạp xe ba gác và làm công nhân điện lực, hết gặp hoạn nạn này đến hoạn nạn khác, tiếp đến thân phụ bất hạnh qua đời, cư sĩ chạy khắp nơi mượn tiền lo ma chay cho cha, hiện tại số nợ đó chưa biết phải lo liệu thế nào, chẳng phải khổ thêm khổ đó sao? Họa không chỉ đến một lần! Mới đây đang bắt điện trên cao, bất cẩn trượt chân ngã xuống. Ây! Nghiệp chướng của cư sĩ quá nặng, xin chị phát tâm tụng cho anh ta một thời kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện, hồi hướng công đức giúp anh ta tiêu trừ nghiệp chướng, được như vậy công đức của chị thật vô lượng! Hôm qua em đã nói chuyện này với Kỉ Tam Toàn rồi, anh ta vui và mong chị lắm!
Tôi nghe lão Lại từ bi nói như năn nỉ, thấy đây là việc nghĩa mình phải làm, người xa mà mình còn tụng kinh cho họ được, huống gì Kỉ cư sĩ là bạn đạo. Tôi đồng ý ngay không chút do dự, hứa ngày mai trì Bát Quan trai giới, sau đó tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện hồi hướng công đức, ngưỡng nguyện Bồ Tát Địa Tạng gia hộ cho cư sĩ sớm ngày bình phục.
9 giờ sáng ngày 22, tôi đến khoa ngoại của bệnh viện Trừng Thanh thăm Kỉ cư sĩ. Đây là lần đầu tiên từ khi cất tiếng khóc chào đời tôi vào bệnh viện thăm người bệnh. Cảm giác đầu tiên như mình đang vào địa ngục. Có rất nhiều loại bệnh khác nhau, đặc biệt những người bị lở loét nước vàng xanh chảy ra hôi thối chịu không nổi. Không thể mất lịch sự bịt mũi, tình cảnh ấy không thể ở lại lâu, song mình không thể không cố nhẫn chịu. Tôi tìm đến phòng bệnh số 30, thấy có mấy bệnh nhân nằm, tôi lại không quen Kỉ cư sĩ; thấy vị lão thái thái đi ra, liền chạy đến hỏi, may bà ấy chính là mẫu thân của Kỉ cư sĩ. Bà chỉ giường Kỉ cư sĩ nằm. Thấy anh bất động trên giường, tôi liền niệm thầm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, vừa niệm vừa đi đến bên cạnh, nhẹ nhàng hỏi anh:
– Em là bạn đạo của Lại cư sĩ, nghe Lại cư sĩ nói anh nằm viện, em đến thăm. Anh thấy trong người sao rồi, đỡ hơn tí nào không? Ngày thường anh có ăn chay không? (tôi nói chuyện với anh bằng tiếng Đài Loan).
– Em cảm ơn chị, em vẫn còn rất mệt, chẳng giấu gì, mỗi tháng em chỉ ăn được 2 ngày, đó là mồng một và rằm.
Anh ta rất ốm, chỉ còn da bọc xương, lời nói cũng rất yếu; nhìn bộ dạng ấy, nếu chưa biết phương pháp giải thoát của Phật-đà, tôi đã bỏ chạy vì sợ rồi! Tôi ôn tồn:
– Nếu anh có thể phát tâm ăn Thập trai (mỗi tháng ăn chay 10 ngày), thường xuyên trì niệm thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng, niệm thầm, niệm lớn tiếng hoặc niệm trong tâm cũng đều được. Điều cần nhất phải chí thành khẩn thiết. Chỉ có như thế, mới có khả năng cảm ứng với chư Phật, Bồ Tát. Kể từ hôm nay, em sẽ tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện hồi hướng công đức cho anh, tụng đến khi nào anh khỏe hẳn mới thôi.
Tôi khuyên với tất cả trái tim thương yêu, thành khẩn của mình, anh ta rất cảm động, liền phát tâm làm theo những gì tôi chỉ dạy. Anh bảo tôi viết 10 ngày trai để anh ấy ăn. Tôi nói với anh:
– Ngày mai là ngày 24 tháng Chạp, anh bắt đầu ăn thập trai nha!
– Tôi quay sang thân mẫu của anh:
– Ở nhà, bác có thờ cúng thánh tượng Bồ Tát Địa Tạng, sau này nên thường xuyên lễ bái, lúc nào cũng trì niệm thánh hiệu của Ngài, ngưỡng nguyện Bồ Tát đại từ đại bi, gia hộ cho Kỉ cư sĩ nhanh chóng bình phục.
Tôi nói tiếng Đài Loan không rành, tiếng được tiếng chăng, cũng may bà cụ nghe hiểu hết. “Cô biết không, cả nhà 8 miệng ăn, đều nhờ vào nó cả”. Bà cụ vừa nói vừa tháo vết thương ở bụng của Kỉ cư sĩ cho xem, tôi như bị điện giật, kinh hãi đứng bất động. Vết thương nặng đến nỗi lòi ruột ra ngoài, máu thịt lẫn lộn vào nhau, thịt quanh vết thương giống như bị bằm, lúc nào cũng rỉ máu. Vợ cư sĩ luôn túc trực bên cạnh, dùng giấy vệ sinh chặm máu. Tôi nghĩ: “Bị thương nặng như vầy, không biết có chữa bớt không?” Tôi cáo từ, lê từng bước chân nặng nề về công sở.
Tối đó, lúc vừa bước lên bàn Phật tụng kinh, bỗng bụng đau như cắt, hiện tượng này xưa nay chưa từng có, nhưng tôi vẫn kiên trì ôm bụng tụng cho xong kinh, tụng vừa xong, bụng cũng hết đau. Có nhiều khi vì công việc bận rộn, phần bị chuyện nhà ràng buộc, thân thể mệt mỏi, tinh thần bất định; những lúc như vậy mà nghĩ đến Kỉ cư sĩ đang nằm trên giường bệnh, rên xiết kêu cứu, tinh thần liền phấn chấn, tôi kiền thành cung kính tụng kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện ngay.
Trưa ngày 25, tôi thỉnh một bức tranh Bồ Tát Địa Tạng đem đến bệnh viện Trừng Thanh. Một bệnh nhân thấy tôn nhan Bồ Tát trang nghiêm quá, liền vui mừng khen ngợi. Thấy vị ấy sinh tâm hoan hỉ như thế, tôi tặng bức tranh Bồ Tát cho anh ta, đồng thời nói qua 10 điều lợi ích của việc cúng dường Bồ Tát Địa Tạng: “Thứ nhất, đất đai màu mỡ, rộng lớn; thứ hai, gia đình mãi được bình an; thứ ba, người thương đã quá vãng được sinh về cõi trời; thứ tư, những người còn sống được ích lợi, tăng tuổi thọ; thứ năm, cầu điều chi cũng đều được toại ý; thứ sáu, không bị tai họa về nước và lửa; thứ bảy, không có việc hư hao; thứ tám, không bị ác mộng; thứ chín, khi ra lúc vào có thần theo hộ vệ; thứ mười, gặp nhiều nhân đưa lên quả vị thánh”. Anh ta nghe tôi nói, rất tin tưởng, cúi đầu cảm tạ:
– Thật cảm tạ cô, thật cảm tạ cô…
Tôi vội bước vào chào mẫu thân của Kỉ cư sĩ:
– Thưa bác! Vết thương của Kỉ cư sĩ có khô tí nào không? Bà vui mừng khoe:
– Cảm ơn cháu, vết thương của Tam Toàn khô nhiều rồi.
Bà vừa nói vừa giở vết thương của cư sĩ lên cho xem, thấy vết thương khô nhiều, tôi vui muốn nhảy lên vậy. Tôi vui mừng tán thán:
– Bồ Tát Địa Tạng thật linh nghiệm, quả thật hết sức linh nghiệm. Không ngờ vết thương nặng như thế, chỉ trong vòng mấy ngày đã khô đi nhiều, đồng thời máu tanh cũng không còn chảy ra, điều này thật không thể nghĩ bàn!
Vâng, quả đúng như thế, nếu chỉ có thuốc men, chưa chắc bình phục nhanh như vậy. Mấy bệnh nhân nằm bên cạnh cũng không ngớt lời chúc mừng, cho là chuyện hi hữu mới thấy lần đầu. Kỉ cư sĩ hết sức cảm kích nói:
Mỗi ngày em đều niệm hơn 300 thánh hiệu Bồ Tát Địa Tạng!
– Tốt nhất lúc nào cũng phải trì niệm. – Tôi khuyên. Tôi đứng dậy cáo từ, vui mừng ra về.
Mỗi chủ nhật, lão Lại và Đại đức Hác Ân Hồng đều đến nhà tù Đài Trung giảng pháp, mỗi lần gặp lão Lại, tôi đều hỏi Kỉ cư sĩ ra sao rồi? Lão Lại nói:
– Đỡ nhiều rồi, có điều, bác sĩ nói phải chụp X-Quang, phải mổ hai lần để nối xương, song chưa chắc đã thành công 100%, trong khi Kỉ cư sĩ lại chẳng có tiền, thật thương tâm quá!
Nghe lão Lại nói, tôi đoán biết khả năng hồi phục như bình thường của Kỉ cư sĩ rất ít, cảm thấy xấu hổ và đau bởi vấn đề kinh tế. Tâm tôi có thừa nhưng lực lại không đủ, trong đạo nghĩa làm người, bảo tôi sao không “buồn rầu đau khổ” cho được! Trở về nhà, không muốn làm gì cả, suy đi nghĩ lại…, có cách nào giúp Kỉ cư sĩ không cần phải phẫu thuật mà vẫn bớt không? Tôi tự nói với mình: “Bồ Tát Địa Tạng, cảm tạ Ngài đã giúp Tam Toàn khỏi vết thương ngoài da, hiện tại phía bụng bên trái vẫn không thể cử động. Theo bác sĩ, Kỉ cư sĩ cần phải mổ hai lần, song không dám khẳng định sẽ khỏi hẳn. Kỉ cư sĩ quả thật rất đáng thương, đệ tử cầu Ngài tiếp tục hành từ bi, dùng oai thần lực không thể nghĩ bàn, giúp đỡ Kỉ cư sĩ khỏi phải bị mổ…” Mỗi ngày tôi đều cầu nguyện như vậy.
Tối thứ tư, tôi đang nghe giảng kinh trong Từ Quang Đồ Họa Thư quán, nghe bạn bè nói lão Lại tìm. Câu hỏi đầu tiên được đặt ra trong đầu, không biết bệnh tình của Kỉ cư sĩ như thế nào rồi. Tức tốc đi tìm lão Lại, không đợi anh ta mở miệng, tôi liền hỏi:
– Kỉ cư sĩ xuất viện chưa? (thấy lão Lại mỉm cười, tôi rất an tâm)
– Kỉ cư sĩ xuất viện rồi! – Lão Lại cười đáp.
– Mổ chưa? – Tôi hỏi.
– Nói ra cũng hết sức khó hiểu, đang lưỡng lự có mổ hay không, bỗng gặp được lão tiên sinh chữa gãy xương đại tài. Lão tiên sinh chỉ cần nắn và thay thuốc mấy lần xương liền nối lại. Có phải chuyện này do chị cầu nguyện với Bồ Tát Địa Tạng không? Kỉ cư sĩ muốn đến cảm tạ chị đó.
Tôi kể lại cho lão Lại nghe chuyện mình khẩn cầu với Bồ Tát, anh ta đang cười, nghe tôi kể xong càng cười ngặt nghẽo, rơi mắt kiếng luôn. Anh tán thán:
– Hèn chi, hèn chi!
“Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma-ha-tát! Dùng năng lượng thần thông thị hiện tướng Thanh văn, là các vi diệu, ẩn chứa công đức, là các giải thoát, nơi sinh bảo bối, là chư Bồ Tát, mắt trong sáng sạch, là hướng Niết- bàn, mắt dẫn cao nhân, giống châu như ý, chứa nhóm tài bảo, tùy theo mong cầu, đều khiến đầy đủ, chiếu người làm lành, như mặt trời sáng, soi người lạc lối, như ngọn đèn sáng, trừ lửa phiền não, như mặt trăng mát, độ người qua sông, nguyện làm chiếc cầu, đưa người vượt biển, nguyện làm thuyền bè. Ngoài ra, như sư tử chúa, hàng phục thiên ma, như đại long vương, hộ các sợ hãi, như người thương yêu, như bạn bè tốt, đề phòng oán địch, như tường như vách, cứu các ách nạn, giống như cha mẹ, thương yêu bảo hộ”. Ngay như trong phẩm Chúc Lũy thứ 12 của kinh Địa Tạng Bồ Tát Bổn Nguyện: “Lúc bấy giờ đức Như Lai giơ cánh tay sắc vàng, xoa trên đỉnh đầu của Địa Tạng đại Bồ Tát, chỉ dạy: Thầy Địa Tạng! Thầy Địa Tạng! Thần lực của thầy không thể nghĩ bàn, lòng từ bi của thầy không thể nghĩ bàn, trí tuệ của thầy không thể nghĩ bàn, biện tài của thầy cũng không thể nghĩ bàn, giả sử chư Phật trong 10 phương, ngợi khen tuyên thuyết sự không thể nghĩ bàn của thầy, đến ngàn vạn kiếp nói cũng không hết…”
Tôi xin cáo biệt lão Lại ra về. Đã khuya, tôi vẫn cung kính đến trước thánh tượng Bồ Tát Địa Tạng đảnh lễ 48 lạy. Tôi rơi lệ, ân nặng của cha mẹ khó báo đáp, song ân đức vĩ đại của chư Phật, Bồ Tát cũng không hạn lượng, không thể đáp đền, duy chỉ nhất tâm niệm Phật, thề giữ hai chữ “trai giới”. Vì Tây phương Phật quốc, thành đạo Bồ Đề, con nhất tâm, quay về nương tựa đảnh lễ Tam tôn.
Ngưỡng nguyện hết thảy chư hành giả cùng niệm: Nam mô Đại Nguyện Đại Từ Đại Bi Thập Luân Bạt Khổ Bổn Tôn Địa Tạng Vương Bồ Tát! Nam mô Địa Tạng Vương Bồ Tát!
Hành Ngọc
CHUYỆN LINH ỨNG ĐỊA TẠNG BỒ TÁT
Được gắn thẻ , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *