No Image Available

Ấn Quang Pháp Sư Văn Sao Tục Biên – Thư gửi cư sĩ Mã Tinh Tiểu

 Tác giả: Đại Sư Ấn Quang  Category: Giảng luận  Tags: Ấn Quang Pháp SưVăn Sao Tục Biên |
 Mô tả:

ẤN QUANG PHÁP SƯ

VĂN SAO TỤC BIÊN

Giảng giải: Đại Sư Ấn Quang

Việt dịch: Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa

THƯ GỬI Y SĨ MÃ TINH TIỀU

Đức Phật là Đại Y Vương, trị khắp các bệnh nơi thân và tâm của chúng sanh. Y sĩ trong thế gian chỉ trị được cái thân, dẫu cho y thuật cao siêu, xét đến kết quả thì trọn chẳng có ích gì cho thần thức của người bệnh ấy. Ông đã Quy Y Tam Bảo, Phát Bồ Đề Tâm, trị bệnh cho người, thì trong lúc trị thân bệnh, hãy nên kèm vào cách trị tâm bệnh.

Vì sao nói vậy?

Phàm những bệnh ngặt nghèo nguy hiểm, phần lớn là do sát nghiệp trong đời trước hay trong đời này tạo thành, nhưng người có bệnh ắt phải đoạn tuyệt chuyện ăn nằm mới chóng lành bệnh.

Muốn giảm sát nghiệp trong đời trước hay trong đời hiện tại, phải kiêng giết ăn chay. Lại còn phải chí thành Niệm Phật và niệm Quán Âm, ắt bệnh sẽ mau được lành, vừa vun bồi đức, vừa gieo thiện căn. Nếu là bệnh do oán nghiệp thì ngoại trừ cách này ra, chắc chắn khó thể lành bệnh.

Người ấy và Cha Mẹ, vợ con trong nhà do tâm gấp rút mong được lành bệnh, chưa chắc không chịu hành theo. Nếu chịu hành theo, sẽ gieo được thiện căn xuất thế. Từ đây sanh tâm chánh tín, sau này biết đâu do đây sẽ liễu sanh thoát tử, siêu phàm nhập Thánh thì đối với người ấy, đối với ông đều có ích lợi lớn lao.

Đối với chuyện đoạn dục, hãy nên coi đó là cách trọng yếu bậc nhất để trị bệnh. Bất luận nội chứng hay ngoại chứng, bệnh chưa được lành lặn vẹn mười, muôn vàn chớ nên dính đến chuyện ăn nằm. Hễ nhiễm vào chuyện ăn nằm, bệnh nhẹ sẽ thành nặng, bệnh nặng có thể bị chết ngay, hoặc chẳng chết liền nhưng đã trở thành cái nhân ắt phải chết.

Muốn chẳng bị chết, cũng thật khó khăn lắm. Dẫu cho không chết, chắc là trở thành kẻ bấy bớt, tàn phế, chắc chắn khó thể giữ được sức khỏe. Chẳng biết là do chính mình chẳng khéo dưỡng sức, lại đổ hô y sĩ chẳng có bản lãnh thật sự.

Bất luận nam hay nữ đối với gái trinh và bà góa thì chẳng nên nói, còn những người khác thì không ngại gì, đều nên thẳng thừng, đanh gọn, nói rõ chuyện lợi hại để bệnh họ dễ được lành, nhờ đấy cái danh của ông cũng được rạng rỡ.

Thường là y sĩ chỉ biết trị bệnh, chẳng nói đến chuyện kiêng kỵ cho căn bệnh, huống là chịu dạy người ta sửa lỗi hướng thiện để vun đức tích phước ư?

Đấy chính là tâm hạnh của kẻ bán hàng rong chỉ mong cầu lợi ngoài đường, ngoài chợ, chứ không phải là tâm hạnh cứu vớt người, khiến cho cõi đời đều được sống lâu, huống hồ là có thể khiến cho người ta do bệnh tật sẽ được vô thượng lợi ích sống thì dự vào Bậc Thánh Hiền, mất đi trở về cõi Cực Lạc ư.

Cổ Nhân nói:

Bất vi lương tướng, tất vi lương y chẳng làm vị Tể Tướng giỏi thì làm Thầy thuốc giỏi. Do vậy, gọi vị y sĩ là đại quốc thủ. Trong thế gian, y sĩ danh phận đã cao tột bậc, nếu kiêm dùng Phật Pháp, nhờ vào đó để độ chúng sanh, hành Bồ Tát Đạo, thật là nghiệp quan trọng nhất trong hết thảy các nghiệp.

Do con người trong khi bệnh hoạn, được nghe một y sĩ chẳng chuyên cầu lợi, có chí mong lợi người, Phát Bồ Đề Tâm bảo ban, ắt có thể khiến cho bệnh được lành thì tự mình chẳng thể sanh lòng chánh tín hành theo ư?

Muốn gây lòng tin nơi người khác, chớ nên tính toán bệnh nhân sẽ tạ lễ nhiều hay ít rồi sanh phân biệt. Nếu với kẻ giàu bèn tích cực chữa trị, với người nghèo chỉ đãi bôi cho xong chuyện, lâu ngày người ta sẽ vì y sĩ hám lợi mà khinh thường, dẫu có nói những câu lợi ích kẻ khác, người ta cũng chẳng tin theo.

Lại hãy nên gặp cha nói từ, gặp con nói hiếu, anh nhường, em kính, chồng hòa, vợ thuận, chủ nhân từ, tớ trung thành và nhân quả báo ứng thấu suốt ba đời quá khứ, hiện tại, vị lai, sanh tử luân hồi trong sáu nẻo.

Có thể nói được với ai thì chẳng ngại gì hữu ý vờ như vô ý nhàn đàm, khiến cho người nghe dần dần mở mang tâm địa, biết sanh tử luân hồi đáng sợ, may là có pháp để liễu sanh thoát tử. Người làm được như vậy thì thật sự có thể gọi là dùng pháp thế gian để hành Phật Pháp, dùng trị bệnh nơi thân để chữa bệnh nơi tâm.

Nay hiện đang là tình thế hoạn nạn, thiên tai, nhân họa thường xuyên giáng xuống. Bất luận gặp phải những tai ương, hoạn nạn như nước, lửa, đao binh, đói kém, ôn dịch, sâu rầy, châu chấu, hạn hán, lụt lội, oán gia đối đầu v.v… chỉ chịu chí thành khẩn thiết thường niệm Danh Hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát, chắc chắn có thể gặp dữ hóa lành, gặp nạn thành hên.

Hơn nữa, Nữ Nhân khi sanh nở niệm Quán Thế Âm chắc chắn sẽ an nhiên sanh nở, không bị đau khổ. Dù đã lâu chưa sanh được, sắp chết, nếu chịu niệm thì sẽ lập tức sanh được phải niệm ra tiếng, chớ nên niệm thầm trong tâm.

Do lúc ấy, cần phải dùng sức để tống đứa con ra. Nếu niệm thầm ắt sẽ bị tổn thương thành bệnh. Những người săn sóc chung quanh cũng niệm thay cho người ấy. Những người trong nhà không ở trong phòng sanh cũng nên niệm giùm.

Bất luận ở trong phòng sanh hay ở ngoài, hễ niệm đều có lợi ích. Lúc bình thường khi ngủ nghỉ, và khi áo mũ không chỉnh tề, và chưa rửa ráy, súc miệng, tắm gội, tiêu tiểu, đến chỗ không sạch sẽ, đều nên niệm thầm. Niệm thầm Công Đức vẫn giống hệt như niệm ra tiếng. Niệm ra tiếng trong những lúc ấy, tại những nơi ấy không hợp nghi thức, chứ hoàn toàn chẳng phải là không thể niệm.

Người đời vô tri coi chuyện này là chuyện đáng sợ, dẫu bình thường là người có tín tâm cũng chẳng dám dạy người khác niệm, cho là lõa lồ bất tịnh, hễ niệm sẽ bị tội.

Chẳng biết lúc ấy liên quan đến tánh mạng của cả mẹ lẫn con, Bồ Tát chỉ chuyên chú độ sanh, lúc ấy chỉ dốc lòng thành, lõa lồ bất tịnh chính là chuyện bất đắc dĩ, không thể so với chuyện cố ý không cung kính làm ra như vậy.

Chịu niệm thì đứa con liền sanh, chẳng những không có tội lỗi mà còn làm cho cả mẹ lẫn con cùng gieo thiện căn điều này thấy từ Kinh Dược Sư, chứ không phải là Quang bịa chuyện. Nếu lúc bình thường cần phải hết sức kiền thành, thật sạch sẽ, chẳng thể dẫn lúc sanh nở ấy để làm lệ được, khinh mạn bất kính thì tội lỗi ngập Trời.

Phàm những ai là người Niệm Phật đều không biết chuyện này. Trước kia, Quang chẳng biết đến sự sai lầm trong tập tục, cho nên trong Văn Sao hoàn toàn chẳng nhắc tới. Về sau, do hiểu sâu xa, nên thường nói với hết thảy mọi người, những kẻ y theo không một ai chẳng được hiệu nghiệm ngay. Đây là một đầu mối để lợi người vậy.

***


 Trở lại